Đất đai

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán chung cư

Tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư là loại tranh chấp phổ biến. Khi dân số ngày một đông lên thì nhu cầu về nhà ở cũng ngày càng tăng. Nhất là trong các thành phố lớn; thị trấn; khu công nghiệp;… khi nhà chung cư lại đáp ứng được các tiêu chí như giá mua nhà phù hợp với điều kiện kinh tế; ví trị địa lý thuận lợi; môi trường sống đảm bảo an ninh tiện nghi;…. Kéo theo đó, là sự phát sinh các tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Để hiểu rõ hơn về loại tranh chấp này cũng như cách giải quyết cụ thể bạn đọc có thể tham khảo nội dung bài viết dưới đây của Công ty Luật Hùng Bách; hoặc liên hệ tới hotline 097.111.5989 để được tư vấn cụ thể.

Điều kiện để căn hộ chung cư được phép mua bán.

Đầu tiên chúng ta cần hiểu nhà thế nào thì được coi là nhà chung cư? Khái niệm nhà chung cư đã được quy định rõ tại Điều 3 Luật Nhà ở 2014, theo đó:

  • Về đặc điểm: là nhà có từ 02 tầng trở lên; có chứa nhiều căn hộ; có lối đi; có cầu thang chung; có phần sở hữu riêng; có phần sở hữu chung; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật để sử dụng chung.
  • Mục đích xây dựng: để ở, hoặc được sử dụng với mục đích hỗn hợp để ở và kinh doanh.
  • Chủ thể sử dụng: cá nhân; hộ gia đình; hoặc tổ chức.

Từ quy định trên có thể hiểu rằng căn hộ chung cư là những diện tích độc lập nằm trong nhà chung cư. Diện tích này thuộc sở hữu riêng của người có quyền sở hữu (người mua). Căn hộ chung cư không đáp ứng được các điều kiện cụ thể mà đưa vào giao dịch sẽ dẫn đến phát sinh tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Vậy căn hộ chung cư được phép mua bán khi nào? Điều 118 Luật Nhà ở 2014 cũng quy định các điều kiện cụ thể để căn hộ chung cư được phép thực hiện giao dịch mua bán gồm:

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán chung cư: 097.111.5989

Có giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn hộ chung cư là chứng thư pháp lý do cơ quan quản lý Nhà nước cấp. Giấy chứng nhận này đảm bảo và thể hiện sự công nhận về mặt pháp lý của nhà nước đối với quyền sở hữu, sử dụng căn hộ chung cư của chủ sở hữu căn hộ hộ chung cư. Giấy chứng nhận này có tên gọi đầy đủ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Trong đó, ghi rõ tên chủ sử dụng căn hộ chung cư; diện đích thuộc quyền sử dụng chung; tên căn hộ chung cư; diện tích thuộc quyền sở hữu riêng. Nếu không có Giấy chứng nhận quyền sở hữu theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu sẽ không thể chứng minh mình có quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến căn hộ chung cư đó.

Câu hỏi:

Chào Luật sư nhà đất, tôi có câu hỏi mong được Luật sư giải đáp. Theo tôi được biết căn hộ chung cư muốn mua bán thì phải được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu. Tuy nhiên, đối với căn hộ chung cư chưa xây dựng xong thì không thể có Giấy chứng nhận. Để phòng trường hợp tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư xảy ra. Tôi muốn hỏi tôi có được phép mua căn hộ như thế này không? Xin cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Chào bạn! Với trường hợp của bạn thì việc mua bán căn hộ chung cư vẫn có thể được thực hiện. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 118 Luật Nhà ở 2014:

2. Giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận:

a) Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai;

Như vậy, nếu đáp ứng được các quy định của pháp luật đối với nhà ở hình thành trong tương lai thì bạn vẫn có thể ký kết hợp đồng mua bán được. Tuy nhiên, đây là một loại giao dịch đặc biết nên bạn cần tìm hiểu kỹ càng thông tin về nhà ở; chủ đầu tư; các quy định của pháp luật liên quan. Nếu không sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu.

Căn hộ chung cư đang có tranh chấp; khiếu nại; khiếu kiện về quyền sở hữu là căn hộ chung cư chưa được rõ ràng về mặt pháp lý. Quyền sở hữu căn hộ chung cư của người sử hữu chưa được minh bạch. Nếu pháp luật nhà ở cho phép các bên thực hiện mua bán căn hộ chung cư thì sẽ dẫn tới khả năng phát sinh tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Việc này là bất hợp lý cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Do đó, khi quyền sở hữu căn hộ chung cư còn đang có tranh cãi thì các bên không được xác lập hợp đồng mua bán. Nhiều trường hợp tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư diễn ra cũng xuất phát từ nguyên nhân này.

Đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn.

Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định căn cứ vào cấp công trình xây dựng; kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện kiểm định chất lượng nhà ở. Pháp luật nhà ở không ấn định rõ thời hạn sử dụng chung cư, tuy nhiên thời hạn này phổ biến ở mức 50 năm. Trường hợp đã hết thời hạn sở hữu nhà mà căn hộ chung cư không được gia hạn thêm thời gian sử sở hữu thì chủ sở hữu căn hộ chung cư không còn quyền sử dụng nhà chung cư đó nữa. Do đó, nếu đã không còn quyền sở hữu thì đương nhiên không được ký kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Không bị kê biên để thi hành án, chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

Kê biên là một trong những biện pháp cưỡng chế nhà nước; là hoạt động kiểm kê, lập danh sách tài sản; được áp dụng đối người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hạ; hoặc bị can, bị cáo theo bản án, quyết định của Toà án. Hoạt động này được thực hiện nhằm hạn chế hành vi tẩu tán; phá hủy tải sản; trốn tránh trách nhiệm của người có tài sản nhằm đảm bảo cho việc xét xử, thi hành bản án và các quyết định của cơ quan nhà nước được thuận lợi, đúng pháp luật. Nhà chung cư nếu đang bị kê biên theo quy định của pháp luật thì tạm thời sẽ không được ký kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Chỉ khi lệnh kê biên được hủy bỏ, căn hộ chung cư mới là đối tượng được phép mua bán.

Câu hỏi:

Chào Luật sư nhà đất, tôi có câu hỏi mong được Luật sư giải đáp. Theo tôi được biết căn hộ chung cư đang bị kê biên thì không được phép mua bán. Tuy nhiên hiện nay tôi đang có nhu cầu muốn mua căn hộ chung cư của bác tôi. Nhà bác tôi rất có điều kiện, bác vẫn còn rất nhiều tài sản khác để đảm bảo thi hành án. Nên tôi đang tính sẽ giao cho bác một nửa tiền mua nhà coi như để giữ nhà. Tôi vẫn đang lăn tăn không biết có nên xuống tiền mua không. Vậy xin hỏi Luật sư, tôi có nên mua căn hộ của bác tôi không? Xin cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Chào bạn! Pháp luật nhà ở quy định rất rõ về việc nhà ở đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án sẽ không được phép thực hiện các giao dịch mua bán. Nếu bạn vẫn ký kết hợp đồng mua bán thì sẽ dẫn tới hậu quả pháp lý là hợp đồng mua bán bị vô hiệu. Chưa kể nếu tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư xảy ra thì phần thiệt hại sẽ nghiêng về bạn nhiều hơn. Luật sư khuyên bạn nên để đến khi căn hộ chung cư bạn muốn mua rõ ràng về mặt pháp lý thì hãy xác lập hợp đồng mua bán.

Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Trong những trường hợp cần thiết nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; do có vi phạm pháp luật về đất đai;… Quy trình thu hồi và bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định luật đất đai.

Hoặc khi các căn hộ chung cư đã xuống cấp; không còn đủ điều kiện an toàn để sử dụng; hoặc nằm trong diện phải cải tạo, xây dựng lại;… và có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà. Căn hộ chung cư nếu nằm trong diện tích đất bị thu hồi, có thông báo giải tỏa, phá dỡ sẽ không thể tiếp tục sử dụng trong tương lai. Do đó việc mua bán căn hộ chung cư này không được phép diễn ra.

Lưu ý:

Nếu căn hộ chung cư không đáp ứng được các điều kiện trên mà đưa vào giao dịch sẽ dẫn đến phát sinh tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Đối với căn hộ chung cư hình thành trong tương lai thì có thể ký kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư khi chưa có giấy giấy chứng nhận quyền sở hữu. Vì đây là những căn hộ chung cư chưa xây dựng, hoặc xây dựng nhưng chưa hoàn thiện nên điều kiện về vấn đề: Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn; không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính… cũng không bị đặt ra.

Điều kiện để các bên được phép mua bán chung cư.

Tại Điều 119 Luật Nhà ở 2014 đã quy định chi tiết về điều kiện của các bên khi tham gia giao dịch về nhà ở. Theo đó, để được phép mua bán chung cư, các bên liên quan phải đáp ứng điều kiện được phép giao dịch nhà ở, cụ thể:

Đối với bên bán căn hộ chung cư.

  • Là người có quyền ở hữu đối với căn hộ chung cư. Trường hợp ủy quyền cho bên khác để thực hiện mua bán căn hộ chung cư thì việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản theo quy định Luật nhà ở; Luật dân sự; và Luật khác có liên quan.
  • Trường hợp bên bán là cá nhân thì cá nhân đó phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch mua bán căn hộ chung cư.
  • Trường hợp bên mua là tổ chức thì tổ chức phải có tư cách pháp nhân. Việc đại diện tổ chức tham gia bán căn hộ chung cư phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với bên mua căn hộ chung cư.

  • Nếu bên mua là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch mua bán theo quy định của pháp luật. Cá nhân này không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
  • Nếu bên mua là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch mua bán theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cá nhân này phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
  • Nếu bên mua là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân. Việc mua bán căn hộ chung cư không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập của tổ chức. Trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Các tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thường gặp.

Tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Để có cái nhìn bao quát về những tranh chấp này, Luật Hùng Bách phân loại tranh chấp theo các nhóm sau:

Mua bán căn hộ chung cư không minh bạch về pháp lý.

Dù pháp luật nhà ở đã quy định rõ điều kiện để căn hộ chung cư được phép mua bán. Tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra trường hợp tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư liên quan đến vấn đề này. Một phần nhỏ vì các bên khi ký kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư không có sự am hiểu pháp luật. Phần lớn là do bên bán gian dối thông tin, cố tình thực hiện giao dịch mua bán nhằm mục đích trục lợi. Các tranh chấp này có thể kể đến: một căn hộ chung cư được giao bán cho nhiều bên cùng một lúc; mua bán dạng căn hộ du lịch; đối tượng mua bán là quyền sử dụng chứ không phải quyền sở hữu;…

Khi tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư xảy ra, người chịu thiệt đa phần là người mua. Nhiều trường hợp dù đã mất rất nhiều thời gian đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Thế nhưng đến cuối cùng vẫn phải ngậm ngùi nhận lấy kết quả trắng tay. Để hạn chế rủi rõ xảy ra liên quan đến trường hợp này các bên cần tìm hiểu kỹ thực trạng pháp lý của căn hộ chung cư trước khi ký kết hợp đồng mua bán.

Tranh chấp quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Ngay cả khi căn hộ chung cư được phép mua bán, tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư vẫn có thể xảy ra trong quá trình các bên thực hiện các điều khoản trong hợp đồng. Những tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền, nghĩa vụ của các bên có thể kể đến: tranh chấp về thời gian bàn giao căn hộ chung cư; tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán theo tiến độ hợp đồng; tranh chấp về chất lượng căn hộ chung cư trên thực tế không đạt yêu cầu so với mô tả; tranh chấp về việc phạt vi phạm hợp đồng;…

Nguyên nhân của những tranh chấp này thường diễn ra ở cả hai phía người mua và người bán. Để hạn chế phát sinh các tranh chấp các bên cần tìm hiểu kỹ lưỡng về thông tin liên quan; thống nhất nội dung mua bán một cách rõ ràng; điều kiện phát sinh chi phí liên quan đến phạt hợp đồng; bồi thường thiệt hại và mức cụ thể;… tìm đến văn phòng/công ty Luật uy tín để được tư vấn về hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Tranh chấp phát sinh trong quá trình sử dụng căn hộ chung cư.

Nhiều trường hợp tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư lại phát sinh trong quá trình sử dụng căn hộ chung cư đã mua. Các tranh chấp này thường là: bên mua không làm được thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu; các diện tích thuộc sở hữu chung không được đảm bảo sử dụng như đã cam kết; tranh chấp về chất lượng căn hộ chung cư; tranh chấp về kết cấu hạ tầng không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt; … Nguyên nhân là do các bên đã thiếu sót trong việc tìm hiểu thông tin, quá tin tưởng vào thông tin do người bán cung cấp.

Những tranh chấp nằm trong nhóm này thường có tính chất phức tạp hơn cả. Do căn hộ chung cư đã được đưa vào sử dụng, bên mua và bên bán gần như không còn ràng buộc gì với nhau. Trong khi đó bên thứ ba (cơ quan nhà nước; chủ đầu tư; ban quản lý Tòa  nhà;…) mới có thể giải quyết được triệt để những vấn đề này. Do vậy, người mua thường khó mà đạt được thỏa thuận để đảm bảo quyền lợi cho mình một cách tuyệt đối.

Các cách giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, tùy thuộc vào trường hợp tranh chấp của mình bạn đọc có thể tham khảo, lựa chọn những cách giải quyết sau:

Đàm phán, thỏa thuận giải quyết tranh chấp.

Khi tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư xảy ra, các bên thường có xu hướng sẽ ngồi lại với nhau để đạt được thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn. Trường hợp người mua ký kết hợp đồng mua bán với chủ đầu tư thì người mua thường thông qua Ban quản trị tòa nhà hoặc tổ dân phố để sắp xếp đàm phán với chủ đầu tư.

Tuy nhiên các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thế này thường có chiều hướng diễn biến xấu. Nhẹ thì bên bán có thể thoái thác trách nhiệm; lấp liếm thông tin để không đưa ra phương án giải quyết tranh chấp. Nặng thì cuộc đàm phán sẽ trở nên gay gắt do hai bên không tìm được tiếng nói chung. Từ đó, gây ảnh hưởng lớn tới quá trình thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai bên. Phần lớn, khi xảy ra tranh chấp các bên có ngồi lại đàm phán với nhau thì cũng không đạt được kết quả gì.

Xem thêm bài viết tham khảo: Quy trình, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai

Hòa giải tranh chấp hợp đồng mua bán tại cơ sở.

Phương án hòa giải là ưu tiên hàng đầu khi giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Đối với tranh chấp đất đai thì vấn đề này được quy định khá rõ. Thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải tại cơ sở cũng diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, đối với căn hộ chung cư thì vấn đề này còn chưa được quy định rõ. Việc giải quyết tranh chấp sẽ được áp dụng theo Luật hòa giải cơ sở 2013.

Theo đó, Tổ trưởng tổ hòa giải sẽ phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải sau khi nhận được yêu cầu của các bên tranh chấp. Việc có hòa giải viên tham gia sẽ tương ứng như việc có một bên thứ 3 đứng ra làm trung gian, đưa ra ý kiến để các bên dung hòa được quyền lợi của mình. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các bên tranh chấp đưa ra được phương án giải quyết. Tuy nhiên, cũng như trường hợp các bên tự đàm phán; phương thức hòa giải tại cơ sở cũng kém hiệu quả; ít được thực hiện trên thực tế.

Khiếu nại giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Hiện nay Phòng bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương là cơ quan thực hiện chức năng giám sát; đưa ra cảnh báo; tiếp nhận khiếu nại về các vi phạm; tổ chức hòa giải tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Trường hợp phát hiện ra sai phạm Phòng bảo vệ người tiêu dùng sẽ báo cáo tới các cơ quan chức năng và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi phát sinh vấn đề cần khiếu nại người dân có thể gửi đơn khiếu nại trực tiếp; qua dịch vụ bưu chính; hoặc gửi khiếu nại trực tuyến tới Cổng thông tin điện tử Tại đây.

Tuy nhiên, với tính chất là thực hiện các công việc mang tính tham mưu; đề xuất phương án giải quyết tranh chấp nên Phòng bảo vệ người tiêu dùng không thể giải quyết tranh chấp một cách triệt để. Khi đó, các bên có tranh chấp lại phải tìm tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Như đã phân tích ở trên, khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ra Tòa án là phương án giải quyết tranh chấp đạt được kết quả triệt để nhất. Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án phải thực hiện theo một trình tự thủ tục đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Trình tự khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án bao gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Người khởi kiện có thể nộp hồ sơ tới Tòa án bằng cách

  • Nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án. Sau khi cán bộ Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện sẽ ghi thông tin vào sổ nhận đơn. Đồng thời, người tiếp nhận cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
  • Nộp đến Tòa án bằng dụng dịch vụ bưu chính của đơn vị vận chuyển. Người khởi kiện cần giữ lại biên lai xác nhận đã gửi đơn của đơn vị chuyển phát. Việc này sẽ giúp ích cho quá trình theo dõi trạng thái vận chuyển đơn. Đồng thời làm căn cứ khiếu nại trong trường hợp Tòa án chậm trễ xử lý đơn khởi kiện.
  • Gửi hồ sơ trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Tuy nhiên phương thức này hiện nay chưa được phổ biến rộng rãi. Điều kiện để người dân tiếp cận với công nghệ thông tin không nhiều. Do đó, nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai bằng hình thức này vẫn không được thực hiện nhiều trên thực tế.

Bước 2: Nộp tạm ứng án phí, nhận thông báo thụ lý.

Khi hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư được nộp đầy đủ. Người khởi kiện sẽ nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí. Khoản tiền án phí này được nộp tại cơ quan thi hành án dân sự. Trong thời hạn 07 ngày, người khởi kiện phải nộp lại biên lai cho Tòa án. Sau khi người khởi kiện đã thực hiện nghĩa vụ tài chính ban đầu, Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Bước 3: Tham gia giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Tòa án sẽ tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Cụ thể:

  • Lấy lời khai, ý kiến của các bên tranh chấp và những người liên quan.
  • Xác minh, thu thập tài liệu cần thiết trong quá trình giải quyết tranh chấp.
  • Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Những việc làm trên nhằm mục đích làm sáng tỏ nội dung tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng, Tòa án sẽ phân tích, giải thích cho các bên hiểu thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, tiến hành hòa giải, cố gắng để các bên đạt được thỏa thuận; hạn chế việc phải đưa vụ án ra xét xử.

Bước 4: Mở phiên Tòa xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Sau khi tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Phán quyết cuối cùng của Tòa án được đưa ra dựa trên sự xem xét; nghiên cứu; đánh giá các tài liệu chứng cứ trong cả quá trình tố tụng. Tại đây, các bên vẫn có quyền tranh luận; đưa ra những ý kiến; tài liệu chứng cứ để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Xem thêm bài viết tham khảo: Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án mới nhất

Hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp gồm những gì?

Về hồ sơ:

Để nắm được thế chủ động trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, người khởi kiện cần nắm được những tài liệu, chứng cứ cần thiết khi quyết định khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Những tài liệu, giấy tờ cần chuẩn bị bao gồm:

  • Đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
  • Tài liệu người khởi kiện: Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân); sổ hộ khẩu gia đình. Nếu khởi kiện theo ủy quyền thì cung cấp tài văn bản thể hiện việc được ủy quyền. Nếu là cơ quan, tổ chức khởi kiện thì cung cấp giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức đó; giấy tờ thể hiện người khởi kiện được quyền thay mặt cơ quan, tổ chức đứng ra khởi kiện.
  • Tài liệu người bị kiện: Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân); sổ hộ khẩu gia đình. Nếu bên bị kiện là cơ quan, tổ chức thì cung cấp giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức đó.
  • Tài liệu, chứng cứ trong quá trình giao kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Những tài liệu này gồm: Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư; Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư; biên bản làm việc; biên lai thu/nộp tiền; hợp đồng/giấy ủy quyền;…
  • Tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp. Những tài liệu này có thể là: biên bản làm việc, hòa giải giữa các bên; nội dung trao đổi được thể hiện dưới dạng thư điện tử, fax; tài liệu thể hiện dưới dạng ảnh chụp;…

Lưu ý:

Cần lưu ý, trong quá trình cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án người khởi kiện không bắt buộc phải nộp toàn bộ tài liệu, chứng cứ mình đang có. Tùy thuộc vào từng thời điểm cũng như quyền lợi của bản thân mà người khởi kiện có thể cân nhắc, lựa chọn việc cung cấp tài liệu chứng cứ nào? và cung cấp vào thời điểm nào? cho hợp lý.

Xem thêm bài viết tham khảo: Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai cần những giấy tờ gì?

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư là loại tranh chấp rất phức tạp. Để hạn chế phát sinh tranh chấp, trước khi ký kết hợp đồng các bên cần tìm hiểu rõ về thực trạng pháp lý của căn hộ chung cư, các quy định của pháp luật liên quan điều chỉnh trực tiếp giao dịch. Nếu cảm thấy đây là công việc quá khó khăn, vượt quá khả năng của mình thì bạn đọc có thể tìm tới các văn phòng/công ty Luật để nhận được sự tư vấn cụ thể. Luật sư nhà đất thuộc công ty Luật Hùng Bách luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan đến hợp đồng mua bán nhà đất cũng như tham gia giải quyết tranh chấp trực tiếp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi khách hàng có nhu cầu.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Hùng Bách liên quan đến chủ đề Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Nếu cần tư vấn bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi bằng một trong các phương thức sau:

​​​Liên hệ Luật sư làm việc tại Văn phòng, chi nhánh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nhật Bản,… theo các phương thức sau:

Trân trọng!

5/5 - (3 bình chọn)
Vũ Chinh

Recent Posts

BẢN ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG

Thông tin bản án tranh chấp Hợp đồng thi công Loại vụ việc: Tranh chấp…

4 tuần ago

Bản án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Thông tin bản án tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất Loại…

2 tháng ago

Bản án hình sự tội chống người thi hành công vụ

Thông tin bản án tội chống người thi hành công vụ Loại vụ việc: Tội…

2 tháng ago

BẢN ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TẶNG CHO TÀI SẢN

Thông tin bản án tranh chấp Hợp đồng tặng cho tài sản Loại vụ việc:…

2 tháng ago

Bản án đơn phương ly hôn tranh chấp tài sản chung, cấp dưỡng

Thông tin bản án hôn đơn phương tranh chấp tài sản chung, cấp dưỡng Loại…

2 tháng ago

Quyết định thuận tình ly hôn vắng mặt cả 2 bên ở Canada

Thông tin quyết định thuận tình ly hôn vắng mặt cả 2 bên ở Canada…

2 tháng ago