Khi xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất, bên cạnh việc khởi kiện tranh chấp đất đai ra Tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng, các bên tranh chấp cũng có thể giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính tại Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Để hiểu rõ hơn về cách giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân bạn đọc có thể tham khảo nội dung bài viết dưới đây của Công ty Luật Hùng Bách; hoặc liên hệ tới hotline 097.111.5989 (zalo) để được tư vấn cụ thể.
Giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013:
“Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền …”
Như vậy, trường hợp người sử dụng đất, ngươi có liên quan đến quyền sử dụng đất không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất thì khi tranh chấp đất đai phát sinh sẽ được giải được giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Theo quy định trên, tranh chấp đất đai muốn giải quyết theo thủ tục hành chính thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
Tranh chấp phát sinh là tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất.
Cần lưu ý đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Là những tranh chấp về quyền,và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ dân sự liên quan đến đất đai như: tranh chấp chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tranh chấp cho thuê quyền sử dụng đất; Tranh chấp tặng cho quyền sử dụng đất; tranh chấp về thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất; tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất; tranh chấp tài sản chung vợ chồng là quyền sử dụng đất;… Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thì giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Tranh chấp đất đai đã được tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã nhưng không thành.
Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về việc các bên phải tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã rồi mới được yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại UBND huyện/tỉnh. Tuy nhiên, trong tất cả các quy định liên quan về việc giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính tại UBND cấp có thẩm quyền thì đều quy định trình tự; hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân;… phải trải qua bước hào giải tại UBND xã.
Thủ tục này cũng được người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân áp dụng triệt để. Người có yêu cầu UBND giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính nếu chưa qua hòa giải thì chưa đủ điều kiện để giải quyết. Cán bộ tiếp nhận đơn có thể trả lại đơn; hoặc yêu cầu bổ sung kết quả hòa giải tranh chấp đất đai; rồi mới tiếp nhận hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính.
Các bên tham gia tranh chấp không có sổ đỏ hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Những giây tờ này được quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013; bổ sung tại Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014; sửa đổi theo khoản 16 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017. Trường hợp không có các giấy tờ trên thì giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:
- Về mặt tài liệu, giấy tờ: xem xét chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất.
- Về diện tích đất đang tranh chấp: xem xét diện tích thực tế mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất có tranh chấp; bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương; hiện trạng sử dụng đất có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không?
- Về người sử dụng đất đang có tranh chấp: chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước.
- Về quy định của pháp luật: quy định về giao đất; cho thuê đất; công nhận quyền sử dụng đất.
Các bên tham gia tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND huyện.
Việc phân biệt rõ trường hợp nào được giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính không chỉ giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đúng trình tự, thủ tục, quy định liên quan để giải quyết mà còn giúp cho người dân đưa ra được phương án giải quyết tranh chấp phù hợp với điều kiện của mình. Lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân được thể hiện đầu tiên ở việc bên có nhu cầu gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất. Chỉ khi có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính thì UBND cấp có thẩm quyền mới có căn cứ để giải quyết tranh chấp.
Tranh chấp đất đai chưa được giải quyết tại Tòa án.
Tranh chấp đất đai được giải quyết tại UBND nhưng về bản chất đây là quá trình giải quyết theo thủ tục hành chính. Mà việc giải quyết tranh chấp đất đai của các cơ quan hành chính cũng với mục đích để thi hành pháp luật đất đai. Chủ tịch UBND các cấp, Bộ trưởng bộ tài nguyên và môi trường có quyền tham vấn, đưa ra ý kiến, quyết định giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đây vẫn là quá trình giải quyết tranh chấp đất đai diễn ra trong một bộ máy hành chính cụ thể. Kết quả giải quyết là quá trình làm việc giữa các phòng, ban trong nội bộ cơ quan với nhau.
Do đó, đây có thể chưa phải là kết quả giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất cuối cùng. Quyết định này còn được kiểm soát bằng hoạt động xét xử của Tòa án. Ngược lại, nếu Tòa án đã ra phán quyết cuối cùng liên quan đến tranh chấp đất đai thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết theo phán quyết đã có hiệu lực của Tòa án. Điều này cũng đảm bảo sự thống nhất trong việc thi hành pháp luật giữa các cơ quan có thẩm quyền. Tránh tình trạng tranh chấp quyền sử dụng không có hồi kết trên thực tế.
Video: Hướng dẫn cách viết đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân theo cấp
Pháp luật đất đai hiện hành quy định thẩm quyền của UBND các cấp như sau:
- Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì cơ quan giải quyết ban đầu là Chủ tịch UBND cấp huyện.
- Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cơ quan giải quyết ban đầu là Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ giải quyết khiếu nại đối với kết quả giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi các bên không đồng ý với kết quả giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai khi các bên không đồng ý với kết quả giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh.
Như vậy, luật đất đai quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính dựa trên yếu tố chủ thể tham gia tranh chấp. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân theo lãnh thổ.
Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tuc hành chính được thực hiện tại UBND nơi có đất đang xảy ra tranh chấp. Điều này là hoàn toàn phù hợp về mặt lý luận và thực tế. Bởi hồ sơ, giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất sẽ do cơ quan quản lý nơi có đất lưu giữ. Các cơ quan quản lý địa phương sẽ nắm rõ lịch sử về nguồn gốc bất động sản; diễn biến quá trình sử dụng đất của người sử dụng đất; thực trạng của đất tại thời điểm diễn ra tranh chấp. Do đó, quá trình tiến hành các biện pháp giải quyết; xác minh; xem xét, thẩm định tại chỗ; thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan;… sẽ thuận lợi hơn cả.
Khi lựa chọn giải quyết tranh chấp đai theo thủ tục hành chính, người dân cần nhận biết rõ với trường hợp của mình thì giải quyết ở Uỷ ban nhân dân cấp nào? giải quyết ở đâu? để tránh việc gửi hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân không đúng nơi, làm kéo dài thời gian tranh chấp và mất công sức đi lại làm việc.
Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai.
Hiện nay đơn đề nghị giải quyết tranh chấp tại Uỷ ban nhân dân chưa được quy định cụ thể. Tùy từng địa phương, tùy từng vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất mà nội dung đơn có thể thay đổi ít nhiều. Bạn đọc có thể tham khảo nội dung đơn dưới đây của Luật Hùng Bách để nắm được cách viết đơn:
Mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc….., ngày …..tháng …. năm 20…
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
(V/v: giải quyết tranh chấp đất đai)
Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân ……………………………………..
Tên tôi là: ……………………………., sinh năm …………….;
CMND số……………cấp ngày….tháng…..năm…………………
Hộ khẩu thường trú:……………………………………………………….
Đại diện …………………………………………………………………..
Tôi viết đơn này xin đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân ………………..giải quyết tranh chấp đất đai giữa …………………………………………………………………………………………………tranh chấp đất đai với tổ chức, hộ gia đình………………………Địa chỉ ở thôn, xóm, tổ dân phố..……………, xã, phường, thị trấn……………….., huyện, thành phố………………, tỉnh…….
Vị trí thửa số ……tờ số ………bản đồ xã, phường, thị trấn………………lập năm ………….(nếu biết).
Nội dung tranh chấp:……………………………………………………………………………………………………………………………….
Vậy tôi làm đơn này kính đề nghị Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn………………..huyện, thành phố………….. ………xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Tôi xin trân trọng cám ơn!
Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo:
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
Cách viết đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai.
Phần kính gửi:
Phần này ghi rõ tên UBND có thẩm quyền tiếp nhận đơn giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính. Nếu là UBND cấp huyện, thì ghi rõ UBND huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào. Nếu là UBND cấp tỉnh, thì ghi rõ UBND tỉnh (thành phố) nào.
Ví dụ: Bà A (Địa chỉ: đường X, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) và ông B (Địa chỉ: đường Y, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) có tranh chấp với nhau quyền sử dụng đất tại địa chỉ: đường M, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Bà A muốn làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng con đường hành chính. Với trường hợp này, bà A phải làm đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân quận Hà Đông – Ủy ban nhân dân nơi có đất tranh chấp.
Phần thông tin người làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai:
Nếu người làm đơn giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính là cá nhân thì ghi đầy đủ họ tên, nơi cư trú. Nếu người làm đơn giải quyết tranh chấp đất đai là cơ quan, tổ chức thì ghi tên; địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức; ghi rõ họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó. Nếu người làm đơn là người được ủy quyền, đại diện theo pháp luật thì ghi đầy đủ họ tên, nơi cư trú. Đồng thời, ghi rõ nhận ủy quyền, đại diện theo căn cứ nào? Theo giấy ủy quyền; theo hợp đồng ủy quyền; hay theo quyết định của Tòa án;… Ghi rõ số hiệu văn bản, nơi cấp văn bản thể hiện nội dung đại diện, ủy quyền.
Phần thông tin của bên tranh chấp quyền sử dụng đất.
Nếu bên tranh chấp là cá nhân thì ghi đầy đủ họ tên địa chỉ nơi cư trú. Nếu bên tranh chấp là cơ quan, tổ chức thì ghi tên; địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức; ghi rõ họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức bị đó. Nếu có thêm số điện thoại liên hệ thì cũng nên đưa vào. Những thông tin này là rất quan trọng, trong quá trình giải quyết Chủ tịch UBND sẽ gửi thông báo liên quan đến cho các bên tranh chấp theo địa chỉ đã được cung cấp. Nếu ghi sai hoặc không đúng phần thông tin này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính.
Phần nội dung đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính:
Ở phần này trước tiên người làm đơn giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân cần ghi rõ địa chỉ, nguồn gốc và quá trình sử dụng thửa đất yêu cầu giải quyết tranh chấp. Thời điểm diễn ra tranh chấp, nguồn cơn diễn ra tranh chấp đất đai. Qúa trình giải quyết tranh chấp trước khi gửi đơn yêu cầu ra UBND đã diễn ra như thế nào? Quan điểm của các bên về thửa đất đang tranh chấp như thế nào? Sau đó, người làm đơn đưa ra yêu cầu để Chủ tịch UBND xem xét, giải quyết. Phần yêu cầu này cần ngắn gọn nhưng phải đảm được tính rõ ràng. Việc xác định đúng yêu cầu giải quyết tranh chấp sẽ là yếu tố chi phối tới cả quá trình giải quyết tranh chấp đất đai sau này.
Phần danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo:
Kèm theo đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính phải có tài liệu; chứng cứ chứng nộp kèm để chứng minh cho yêu cầu của người làm đơn. Người làm đơn ghi gồm có những tài liệu nào; tài liệu nào là bản sao ghi ghi rõ bản sao; tài liệu nào bản chính thì ghi rõ là bản chính.
Phần ký tên của người viết đơn:
Nếu người làm đơn là cá nhân thì ký xác nhận vào đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sửu dụng đất. Trường hợp người làm đơn không biết chữ thì có thể điểm chỉ dấu vân tay vào đơn. Nếu là cơ quan tổ chức làm đơn, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức ký tên; ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.
Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai gồm những gì?
Vì giải quyết tranh chấp đất theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan nên hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính một phần sẽ do các bên tranh chấp quyền sử dụng đất cung cấp; một phần sẽ được hình thành trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.
Hồ sơ do người yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất cung cấp:
- Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
- Tài liệu làm căn cứ chứng minh phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của mình;
- Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã;
- Đối với trường hợp cử đại diện; được ủy quyền tham gia giải quyết tranh chấp đất đai phải có văn bản cử đại diện, ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp;
- Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.
Hồ sơ hình thành trong quá trình giải quyết tranh chấp:
- Biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan;
- Biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp;
- Biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành;
- Biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất của cơ quan tham mưu;
- Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp;
- Các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai;
- Báo cáo đề xuất, dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất;
- Dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành trong trường hợp hòa giải thành.
Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính.
Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ.
Người yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai phải hồ sơ đến UBND cấp có thẩm quyền. Người nộp hồ sơ có thể được thực trực tiếp tại UBND; hoặc nộp gián tiếp thông qua dịch vụ bưu chính. Khi tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại UBND, cán bộ nhận đơn sẽ kiểm tra và ghi vào sổ nhận đơn. Cần lưu ý nếu người nộp đơn nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính thì cần giữ lại báo phát nộp đơn để làm căn cứ xác định thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 2: Thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết thì phải ra thông báo yêu cầu bổ sung; hoặc trả lời bằng văn bản cho công dân biết về việc hồ sơ tranh chấp đất đai chưa đủ điều kiện; hướng dẫn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai theo đúng quy định. Trường hợp hồ sơ đã đủ điều kiện thụ lý theo quy định thì Trưởng Ban tiếp công dân phải tham mưu cho Chủ tịch UBND ký ban hành văn bản thụ lý. Giao thông báo và hồ sơ cho cho cơ quan có thẩm quyền; hoặc thành lập Tổ liên ngành để thẩm tra, xác minh; thông báo cho các bên liên quan biết.
Bước 3: Lập kế hoạch và tiến hành thẩm tra, xác minh.
Sau thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định thụ lý của Chủ tịch UBND, cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc; tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp quyền sử dụng đất; tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp. Phòng tài nguyên và môi trường ở cấp huyện; Sở tài nguyên và môi trường ở cấp tỉnh là cơ quan tham mưu có trách nhiệm thực hiện các công việc này để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất.
Sau khi thực hiện các hoạt động trên, cơ quan được giao nhiệm vụ phải có báo cáo kết quả làm việc; hoàn chỉnh hồ sơ giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất. Hồ sơ sau khi được lập hoàn chỉnh sẽ được gửi đến Chủ tịch UBND cùng cấp để xem xét.
Bước 4: Ban hành quyết định công nhận hòa giải thành hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Trường hợp cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh tổ chức hòa giải mà tiến hành hòa giải thành thì phải lập biên bản hòa giải thành. Đồng thời gửi văn bản, báo cáo để Chủ tịch UBND ban hành quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định hòa giải thành được gửi cho các bên đương sự; cơ quan; tổ chức; cá nhân có liên quan ngay sau khi được ban hành.
Trường hợp trong quá trình xác minh, hòa giải mà không tiến hành hòa giải thành thì cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh lập báo cáo. Báo cáo này được gửi đến Chủ tịch UBND để xem xét. Chủ tịch UBND sẽ tổ chức cuộc họp các phòng, ban có liên quan để tư vấn giải quyết. Sau khi thống nhất được phương án dựa trên cơ sở nghiên cứu, giải quyết hồ sơ thì Chủ tịch UBND ban hành Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 5: Gửi và công khai Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
Sau khi Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai được ban hành, Chủ tịch UBND phải gửi Quyết định cho các bên đương sự; cơ quan; tổ chức; và cá nhân có liên quan. Công khai Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định.
Thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính.
Theo tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP thời gian thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính được quy định như sau:
- Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là không quá 45 ngày.
- Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là không quá 60 ngày.
- Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là không quá 90 ngày.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian giải quyết được tăng thêm 10 ngày.
Thời hạn trên được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật; thời gian trưng cầu giám định.
Luật sư giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính.
Giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính là một quá trình rất phức tạp. Do tranh chấp không có nhiều tài liệu, chứng cứ làm cơ sở để giải quyết nên sự thành bại trong việc giành lại quyền sử dụng đất phụ thuộc rất nhiều vào quá trình giải quyết thực tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người dân do không nắm chắc về trình tự thủ tục giải quyết; những căn cứ có lợi cho việc bảo vệ quyền sử dụng đất của mình; cách thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình;… sẽ rất bất lợi trong quá trình chứng minh cho yêu cầu hợp pháp của mình.
Luật sư đất đai Công ty Luật Hùng Bách với độ ngũ Luật sư có chuyên môn cao, với nhiều kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình giải quyết tranh chấp đất đai trên thực tế là sự lựa chọn hợp lý giúp khách hàng giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân nói riêng và giải quyết tranh chấp đất đai nói chung.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Hùng Bách liên quan đến chủ đề Cách giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính. Nếu cần tư vấn thêm về Cách giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi bằng một trong các phương thức sau:
- Số điện thoại tư vấn Luật đất đai của Luật sư: 097.111.5989 (zalo)
- Tư vấn Luật đất đai qua facebook: Tại đây!
- Gửi nội dung vụ việc qua địa chỉ email: Luathungbach@gmail.com
BP