Quy định về chứng cứ trong tranh chấp đất đai


Chứng cứ trong tranh chấp đất đai là tài liệu cần phải có để giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy nhiên những chứng cứ đó là những tài liệu, chứng cứ nào? Chứng cứ nào có giá trị nhất trong tranh chấp đất đai? Thu thập những tài liệu, chứng cứ trong tranh chấp đất đai như thế nào? thì không phải ai cũng nắm được. Nếu bạn đọc đang gặp khó khăn liên quan đến Quy định về chứng cứ trong tranh chấp đất đai thì có thể tham khảo nội dung bài viết dưới đây của Công ty Luật Hùng Bách; hoặc liên hệ tới hotline 097.111.5989 (zalo) để được tư vấn cụ thể.

Chứng cứ là gì?

Chứng cứ nói chung và chứng cứ trong tranh chấp đất đai nói riêng được xác định theo ba thuộc tình cơ bản: tính khách quan; tính liên quan; và tính hợp pháp.

  • Tính khách quan: Khách quan ở đây được hiểu là những gì có thật, tồn tại không thiên lệch, phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bất kỳ ai.
  • Tính liên quan: Tính liên quan của chứng cứ được hiểu là những thông tin chưa đựng trong chứng cứ phải có tính liên quan với sự việc cần được chứng minh.
  • Tính hợp pháp: Chứng cứ phải được thu thập; kiểm tra; đánh giá theo một trình tự hợp lý, đúng quy định pháp luật.

Cả ba thuộc tính trên của chứng cứ đều quan trọng và cần thiết. Nếu thiếu đi một trong các thuộc tính đó thì chứng cứ sẽ không có giá trị chứng minh. Nếu đưa vào, chứng cứ giải quyết tranh chấp đất đai sẽ bị gạt bỏ hoặc không có tác dụng giải quyết tranh chấp đất đai một cách triệt để.

Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”

Như vậy, chứng cứ trong tranh chấp đất đai là những gì có thật; được đương sự, cơ quan, tổ chức, các nhân khác giao nộp cho Tòa án; hoặc do Tòa án thu thập được theo một thủ tục luật định; được sử dụng làm căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai.

chứng cứ trong tranh chấp đất đai
Luật sư hướng dẫn chuẩn bị, thu thập chứng cứ trong tranh chấp đất đai: 097.111.5989 (zalo)

Nguồn chứng cứ trong tranh chấp đất đai.

Chứng cứ trong tranh chấp đất đai có thể thu được từ nhiều nguồn khác nhau. Một trong số những nguồn chứng cứ tranh chấp đất đai có thể kể đến như sau:

Chứng cứ là những tài liệu đọc được.

Đây là những chứng cứ được để thể hiện ra dưới dạng vật chất nhất định: tài liệu; văn bản; văn kiện; thông báo;… Các tài liệu này chứa đựng một thông tin, nội dung cụ thể nào đó. Nội dung này phải được thể hiện dưới dạng các ký tự, ký hiệu phổ thông, có tác dụng truyền đạt thông tin được đến với những người tiếp cận. Chứng cứ trong tranh chấp đất đai thường được yêu cầu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp. Nếu không có bản chính để sao y thì phải cung cấp được bản trích lục do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp xác nhận.

Chứng cứ trong tranh chấp đất đai theo nguồn này có thể kể đến như: sổ mục kê; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy đăng kết hôn; biên lai đóng thuế; Quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền;…

Chứng cứ là những tài liệu nghe được, nhìn được.

Chứng cứ trong tranh chấp đất đai có thể được thể hiện dưới dạng là những tài liệu nghe được, nhìn được. Tuy nhiên với tính chất không cố định và chỉ được thể hiện ở một khoảng thời gian ngắn nên muốn đưa những tài liệu này vào làm chứng cứ trong tranh chấp đất đai thì phải chứng minh được sự tồn tại của nó. Ngoài những dụng cụ chứ đựng loại chứng cứ này như: đĩa thu âm; băng thu hình; hoặc thẻ nhớ; ảnh chụp;… thì người nộp chứng cứ phải nộp kèm văn bản trình bày xuất xứ; hoặc sự việc có liên quan đến sự hình thành của những chứng cứ này trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.

Chứng cứ là dữ liệu điện tử.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu trao đổi thông tin ngày càng nhiều. Bên cạnh nguồn chứng cứ là những tài liệu trên thì chứng cứ còn được thể diện dưới dạng dữ liệu điện tử. Những chứng cứ này có thể là thư điện tử; điện báo; fax; chứng từ điện tử;… thể hiện các nội dung liên quan đến việc làm phát sinh quyền – nghĩa vụ của các bên tranh chấp đất đai; hoặc thể hiện sự thỏa thuận, thương lượng liên quan đến quyền sử dụng đất.

Chứng cứ là lời khai của các đương sự, người làm chứng.

Trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án tranh chấp đất đai Tòa án sẽ phải lấy lời khai của đương sự và những người liên quan. Những lời khai này sẽ được sử dụng là một trong những căn cứ để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất. Trường hợp không thể cho lời khai trực tiếp tại Tòa án thì những người này có thể cho lời khai bằng việc ghi âm; ghi hình; bằng văn bản có xác nhận của địa phương;… để nộp đến Tòa án.

Chứng cứ là kết luận giám định.

Trong những năm gần đây, chứng cứ là kết luận giám định được sử dụng phổ biến trong tranh chấp quyền sử dụng đất. Đây là kết quả được những cơ quan, tổ chức có chuyên môn khoa học thực hiện khi đánh giá tính chính xác, khách quan của một vấn đề còn gây tranh cãi, không thể nhận biết hay làm rõ bằng những phương pháp thông thường. Những kết luận này phải được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục nhất định, chịu sự điều chỉnh khắt khe của hệ thống Luật định như: Bộ luật tố tụng dân sự; Luật giám định tư pháp;… Những kết luận giám định là chứng cứ trong tranh chấp đất đai có thể kể đến: giám định dấu vân tay; giám định nét chữ; giám định ADN; giám định pháp ý tâm thần;…

Chứng cứ là biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

Trong tranh chấp đất đai khi các bên không thể thống nhất về nội dung của một vấn đề nào đó thì có thể yêu cầu Tòa án thẩm định tại chỗ. Cũng có trường hợp Tòa án xét thấy thẩm định tại chỗ là cần thiết cho quá trình giải quyết tranh chấp đất đai thì sẽ tiến hành các thủ tục cần theo quy định của Luật để thẩm định tại chỗ. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ chính là kết quả của quá trình đó. Việc thẩm định tại chỗ trong tranh chấp đất đai nhằm mục đích: xác định hiện trạng sử dụng đất; vị trí, kích thước, thực tế của đất đang tranh chấp; tình trạng pháp lý của thừa đất; Xác định những tài sản có trên đất;…

Chứng cứ là kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

Nhiều trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất nhưng các bên không thống nhất được giá trị tài sản tranh chấp thì có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức tiến hành thẩm định giá tài sản. Kết quả thẩm định giá tài sản trong tranh chấp đất đai sẽ được dùng để làm căn cứ giải quyết vụ án. Qúa trình thẩm định giá được thực hiện theo một trình tự thủ tục nhất định. Qúa trình này sẽ do cơ quan chuyên môn có chức năng định giá, thẩm định giá thực hiện. Trường hợp các bên không đồng ý với kết quả định giá thì có thể yêu cầu định giá lại.

Chứng cứ là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vì pháp lý.

Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý của người có chức năng lập tại chỗ cũng là nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất. Văn bản này ghi nhận tại thời điểm lập văn bản một hành vi, sự kiện nào đó được diễn ra. Về bản chất việc này không khác gì cứ người làm chứng tham gia chứng kiến hành vi, sự kiện đó diễn ra. Một trong những tài liệu hay gặp trong nguồn chứng cứ này là Vi bằng do Thừa phát lại lập.

Chứng cứ là văn bản công chứng, chứng thực.

Trong tranh chấp đất đai, sẽ có những tài liệu các bên không thể cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết bản gốc của tài liệu, hồ sơ liên quan vì để đảm bảo tài liệu gốc không bị mất mát, hư hỏng hoặc nhiều cơ quan cần sử dụng một lúc trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất. Để thay thế cho những tài liệu gốc, người nộp chứng cứ sẽ cung cấp bản sao được công chứng, chứng thực từ bản gốc. Việc chông chứng, chứng thực những tài liệu này được thực hiện theo đúng trình tự của Luật Công chứng và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Những chứng cứ có giá trị nhất trong tranh chấp đất đai.

Trong tranh chấp đất đai, với đặc thù là loại tranh chấp phức tạp, chịu sự điều chỉnh của một thống pháp luật đất đai trải dài qua nhiều giai đoạn. Chứng cứ trong tranh chấp đất đai được xác định dưới nhiều dạng nguồn khác nhau. Tuy nhiên, mỗi chứng cứ lại có giá trị chứng minh nhất định trong quá trình chứng minh. Khi xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất, bạn đọc cần lưu ý đến những chứng cứ sau:

Chứng cứ xác định về nguồn gốc quyền sử dụng đất.

Tìm hiểu về nguồn gốc đất đang tranh chấp là tìm hiểu xem đất đó được hình thành từ đâu? Người sử dụng đất có được quyền sử dụng đất từ thời gian nào? Nếu nhận thừa kế, tặng cho thì nhận từ ai? Nếu được giao đất thì giao từ thời điểm nào? Cơ quan nào giao? Người sử dụng đất có thuộc tiêu chuẩn được cấp đất không?… Từ đó đánh giá việc sử dụng đất có đúng quy định của pháp luật hay không. Nói tóm lại đây là những chứng cứ xác định xem chủ sử dụng đất có xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp hay không. Đây là nội dung mà bất cứ vụ việc tranh chấp đất đai nào cũng cần phải làm rõ. Nhiều trường hợp nó còn là nội dung then chốt để giải quyết tranh chấp đất đai.

Những chứng cứ có tác dụng trong việc chứng minh nguồn gốc đất có thể kể đến như:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ);
  • Giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993. Cụ thể: giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời; Giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất; Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng; Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp; bằng khoán điền thổ; văn tự đoạn mãi bất động sản có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ; Chỉ thị 299/TTg; …
  • sổ đăng ký ruộng đất; bản đồ địa chính; sổ giã ngoại;
  • Bản án, quyết định của Tòa án; văn bản công nhận kết quả hòa giải thành; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Danh sách cấp đất giãn dân;
  • Di chúc; văn bản tặng cho đất đai; biên bản họp gia đình, dòng họ;…

Chứng cứ về diễn biến quá trình sử dụng đất.

Những chứng cứ xác định về quá trình sử dụng đất nhằm làm rõ: Người sử dụng đất có tôn tạo; cải tạo hay xây dựng gì mới làm tăng giá trị quyền sử dụng đất không? Qúa trình sử dụng đất có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước không? Có thay đổi về mục đích sử dụng đất so với thời điểm ban đầu không? Có bán bớt hay mua thêm để gộp vào vào quyền sử dụng đất sẵn có không?… Nói tóm lại đây là những chứng cứ nhằm làm rõ quá trình sử dụng đất của người sử dụng từ khi mới bắt đầu sử dụng đất cho đến khi tranh chấp xảy ra.

Những chứng cứ về diễn biến quá trình sử dụng đất có thể kể đến như:

  • Hồ sơ kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; văn bản tặng cho;…
  • Tài liệu về thừa kế quyền sử dụng đất;…
  • Biên lai nộp thuế sử dụng đất;
  • Giấy phép xây dựng công trình trên đất;
  • Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất; biên bản; quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dụng công trình gắn liền với đất;…
  • Lời khai, ý kiến của những hộ gia đình lân cận; tổ trưởng tổ dân phố; công chức địa chính xã/phường;…

Chứng cứ về hiện trạng sử dụng đất.

Những chứng cứ này nhằm làm rõ hiện trạng sử dụng đất đang tranh chấp. Cụ thể: làm rõ nhà, đất đang do ai quản lý? đang do ai sử dụng trực tiếp? đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa? Nếu không có thì có kê khai sử dụng đất tại địa phương hay không? Diện tích, ranh giới, vị trí thực tế đất đang tranh chấp? Có tài sản gì trên đất không? Tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của ai?;…. Đây là những chứng cứ thể hiện tại thời điểm diễn ra tranh chấp; đất đang ở hiện trạng như thế nào cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn.

Những chứng cứ về hiện trạng sử dụng đất có thể kể đến như:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thời điểm tranh chấp đất đai;
  • Sổ mục kê, bản đồ địa chính, trích lục bản đồ;…
  • Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương;…
  • Biên bản, kết quả định giá, thẩm định giá đất đang tranh chấp;
  • Vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà đất đang tranh chấp;
  • Ảnh chụp, băng ghi hình hiện trạng nhà đất;…

Như vậy, chứng cứ trong tranh chấp đất đai được thể hiện ở nhiều nguồn, nhiều dạng khác nhau. Xác định được đâu là những chứng cứ có giá trị sẽ giúp cho chủ thể khi tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đất đai đảm bảo được quyền lợi cho mình một cách tối ưu nhất. Vậy những chứng cứ trên được thu thập như thế nào? Bạn đọc có thể tham khảo nội dung dưới đây.

Video: Luật sư hướng dẫn cách giải quyết tranh chấp đất đai. 

Cách thu thập chứng cứ trong tranh chấp đất đai. 

Chủ thể khi tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất có thể thu thập chứng cứ trong tranh chấp đất đai qua những cách sau:

Trực tiếp thu thập chứng cứ trong tranh chấp đất đai.

Người dân khi tham gia giải quyết tranh chấp đất đai thường tự mình trực tiếp đi thu thập chứng cứ. Thu thập chứng cứ vừa là quyền, cũng vừa là nghĩa vụ của các đương sự. Tuy nhiên quá trình này thường diễn ra không hề suôn sẻ. Nguyên nhân là do người dân với sự am hiểu các quy định của pháp luật không cao. Đồng thời, cũng không có kinh nghiệm thu thập chứng cứ trên thực tế. Do đó, trong quá trình này đương sự thường gặp rất nhiều khó khăn. Người dân không biết phải thu thập những giấy tờ gì? Bắt đầu thu thập chứng cứ trong tranh chấp đất đai từ đâu? Tiến hành thu thập ở cơ quan nào?

Bên cạnh đó, bộ máy hành chính ở nước ta được phân theo nhiều cấp bậc. Trong cùng một cấp lại phân ra nhiều phòng ban với những vai trò khác nhau. Điều đó khiến cho quá trình thu thập chứng cứ trong tranh chấp đất đai đai đã khó khăn nay lại càng nan giải hơn. Nhiều trường hợp người dân không thu thập đủ theo như thời hạn của Tòa án mà đã bị trả hồ sơ khởi kiện. Khiến cho quá trình giải quyết tranh chấp đất đai bị kéo dài về mặt thời gian và ảnh hưởng lớn về mặt tiền bạc, sức khỏe.

Yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ trong tranh chấp đất đai.

Pháp luật đất đai hiện hành cũng quy định Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ. Trong một số trường hợp nhất định, Tòa án còn phải đứng ra thu thập theo quy định của luật. Trường hợp các chủ thể khi tham gia giải quyết tranh chấp đất đai không thể tự mình thu thập chứng cứ thì có thể làm đơn đề nghị tới Tòa án. Trong đơn trình bày rõ lý do vì sao không thể tự mình thu thập được; tài liệu chứng cứ cần thu thập. Biện pháp này được sử dụng trong trường hợp khi chủ thể đã tự mình trực tiếp thu thập chứng cứ nhưng không có kết quả, cần phải nhờ tới sự can thiệp của Tòa án.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ngay cả khi Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án giải quyết vụ án thì những cơ quan này trả lời rất chậm trễ. Điều đó gây ảnh hưởng lớn tới thời hạn giải quyết vụ án; tạo nên tâm lý bức xúc của người dân. Điều này xảy ra thường xuyên ở những cơ quan lưu giữ tài liệu, chứng cứ như bản đồ; thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục đăng ký đất đai;…

Uỷ quyền, thuê luật sư giải quyết tranh chấp đất đai.

Chủ thể tham gia giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất có thể vì nhiều lý do mà không tự mình trực tiếp tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp. Trong những trường hợp như vậy họ có thể ủy quyền cho bên thứ ba thay mình đi thu thập chứng cứ. Hoặc thuê Luật sư đất đai tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong tranh chấp đất đai. Lựa chọn phương án này sẽ giảm thiểu đáng kể những bất cập nêu trên cho các chủ thể.

Luật sư đất đai với kiến thức pháp luật chuyên môn cao cùng với kinh nghiệm trong thực tế sẽ giúp cho quá trình thu thập chứng nói riêng và giải quyết tranh chấp đất đai nói chung được thực hiện một cách hiệu quả; thời gian giải quyết nhanh chóng; bảo đảm quyền lợi tối ưu cho khách hàng. Chi phí luật sư giải quyết tranh chấp đất đai sẽ tùy thuộc vào độ phức tạp của vụ việc; chính sách hoạt động của từng văn phòng.

Nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ trong tranh chấp đất đai.

Trong tranh chấp đất đai chỉ khi tài liệu chứng cứ được thu thập một cách đầy đủ thì tranh chấp mới được giải quyết một cách công bằng, triệt để. Việc thiếu sót hoặc sai phạm trong bất cứ bước nào của quá trình thu thập chứng cứ cũng có thể dẫn tới việc giải quyết tranh chấp bị sai lệch. Ngay cả trong trường hợp đã có phán quyết cuối của Tòa án thì bản án vẫn có thể bị hủy để xem xét lại. Do vậy, việc cung cấp chứng cứ trong tranh chấp đất đai là nghĩa vụ chung của đương sự; cơ quan; tổ chức có liên quan.

Nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ của đương sự.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

“Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập; giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

…”

Khi tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, đương sự sẽ đưa ra yêu cầu bất kỳ. Yêu cầu này có thể đồng phía với nguyên đơn, cũng có thể đối chọi với yêu cầu của nguyên đơn. Và để chứng minh cho yêu cầu của mình đương sự phải đưa ra được chứng cứ chứng minh cho sự hợp lý, hợp tình của yêu cầu đó. Nói cung cấp chứng cứ là nghĩa vụ nhưng đây cũng đồng thời là quyền lợi của đương sự. Đương sự phải thực hiện nghĩa vụ của mình trước thì mới phát sinh căn cứ bảo vệ quyền lợi của mình trong tranh chấp đất đai. Quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự luôn song hành, có mối liên hệ nhân quả với nhau.

Để bảo đảm cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ này. Pháp luật cũng yêu cầu rõ Tòa án; các cơ quan; tổ chức; cá nhân cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong quá trình thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình đương sự sẽ không thể đảm bảo quyền lợi của mình. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ không giải quyết, bác bỏ yêu cầu của đương sự do không có căn cứ.

Nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ của cơ quan, tổ chức.

Trách nhiệm này của các cơ quan, tổ chức được quy định rất rõ tại BLTTDS 2015. Cụ thể:

“…Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người có yêu cầu.”

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên; một thực trạng diễn ra ở khá phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức hiện nay là sự thiếu trách nhiệm trong việc hỗ trợ cung cấp tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ theo yêu cầu của đương sự.  Thậm chí trong cả trường hợp Tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ. Việc ách tắc trong khâu thu thập chứng cứ kéo theo hệ quả là kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp đất đai. Mặc dù pháp luật đã có những quy định điều chỉnh thực trạng này nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao do quy định chỉ mang tính chất chung chung, chế tài xử lý chưa đủ tính răn đe.

Câu hỏi:

Chào Luật sư đất đai! Tôi có câu hỏi mong Luật sư có thể giải đáp giúp tôi. Hiện nay tôi đang thực hiện thủ tục khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Ngày 20/8/2021 tôi có nhận được thông báo của Tòa án. Thông báo về việc thu thập thêm trích lục bản đồ địa chính thửa đất đang tranh chấp. Ngày 21/8 tôi có đến UBND xã để xin nhưng cán bộ địa chính của xã không cung cấp cho tôi. Vậy xin hỏi Luật sư tôi có thể làm thế nào để thu thập chứng cứ trong tranh chấp đất đai theo yêu cầu của Tòa án? Xin cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Chào bạn! Trường hợp của bạn có thể giải quyết theo hai hướng sau. Một là bạn yêu cầu cán bộ địa chính trả lời bằng văn bản lý do không cấp tài liệu. Sau đó làm đơn kiến nghị gửi tới Chủ tịch UBND xã nơi bạn xin trích lục. Trong kiến nghị bạn nộp kèm công văn trả lời của cán bộ địa chính; bản sao thông báo thu thập chứng cứ của Tòa án. Hai là bạn có thể làm đơn đề nghị Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ. Trong đơn bạn nhớ trình bày rõ sự việc vì sao mình không thu thập được chứng cứ. Đồng thời, bạn nộp kèm công văn, tài liệu trả lời của cán bộ địa chính trước đó. Tòa án sẽ thực hiện thủ tục cần thiết để tiến hành thu thập chứng cứ giúp bạn.

Luật sư thu thập chứng cứ trong tranh chấp đất đai.

Nếu bạn đang gặp vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai; bạn không có thời gian để tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất; bạn không biết phải thu thập hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai thế nào; bạn bị mất quyền lợi do không thu thập được chứng cứ trong tranh chấp đất đai; bạn không am hiểu rõ trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất;… Luật Hùng Bách với đội ngũ Luật sư đất đai chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ pháp lý; đảm bảo vụ việc được xử lý đúng với quy định của luật; trong thời gian nhanh nhất; và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng ở mức tối ưu nhất.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Hùng Bách liên quan đến chủ đề Quy định về chứng cứ trong tranh chấp đất đai. Nếu cần tư vấn thêm về chứng cứ trong tranh chấp đất đai bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi bằng một trong các phương thức sau:

Liên hệ Luật sư làm việc tại Văn phòng, chi nhánh ở Hà Nội; TP. Hồ Chí Minh; Khánh Hòa; Hà Tĩnh; Nhật Bản;… theo các phương thức sau:

​BP.

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *