Hiện nay có rất nhiều người gửi tiền, chuyển tiền để nhờ người khác đứng tên mua đất. Tuy nhiên sau một thời gian người đứng tên trên sổ đỏ không hợp tác để sang tên lại tài sản hoặc tự ý chuyển nhượng nhà đất mà không thông báo và thanh toán lại tiền dẫn đến phát sinh tranh chấp. Vậy chuyển tiền, góp vốn mua đất nhờ người khác đứng tên có đòi lại được không? Cách giải quyết tranh chấp mua đất nhờ người khác đứng tên thế nào? Hãy tham khảo nội dung bài viết chuyên sâu dưới đây của Luật Hùng Bách hoặc liên hệ Luật sư theo số 097.111.5989 (zalo) để được tư vấn và hỗ trợ.
Có nên nhờ người khác đứng tên mua nhà đất ở Việt Nam.
Lý do của việc nhờ người đứng tên mua nhà đất ở Việt Nam.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay có nhiều trường hợp gửi tiền nhờ mua nhà đất để đâu tư. Lý do dẫn đến việc nhiều người không tự mình đứng ra giao dịch thường phổ biến như:
- Người nước ngoài không được mua nhà đất ở Việt Nam người đứng tên nhận chuyển nhượng để lách luật;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Việt kiều không thể tự mình đứng ra mua đất nên nhờ người thân quen ở Việt Nam làm thủ tục.
- Các bên góp vốn đầu tư mua đất nhưng chỉ cử một người đứng ra đại diện làm thủ tục cho thuận tiện.
- Đầu tư mua đất nông nghiệp nhưng không thuộc đối tượng được mua. Do vậy nhờ người có hộ khẩu và trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại địa phương đứng tên hộ.
- Nhiều người không muốn người khác biết mình là chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà,..
Có nên chuyển tiền nhờ người khác đứng tên mua hộ nhà đất.
Qua thực tiễn hoạt động tư vấn, giải quyết tranh chấp Luật sư đất đai của chúng tôi nhận thấy rủi ro từ việc nhờ người đứng tên mua đất là cực kỳ cao. Việc nhờ đứng tên hộ chủ yếu dựa trên sự tin tưởng của các bên mà ít có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Do vậy một khi người nhận tiền để mua đất và đứng tên trên sổ đỏ không hợp tác để sang tên lại tài sản thì rất khó để có thể đòi được. Thậm chí nhiều trường hợp nếu bên chuyển tiền, góp vốn không chứng minh được mình đã gửi tiền mua đất thì không những không đòi được đất mà có nguy cơ mất luôn cả tiền gốc.
Do vậy trước khi gửi tiền; ký hợp đồng hợp tác góp vốn để mua đất và để người khác đứng tên thì cần cân nhắc kỹ các rủi ro nêu trên. Kể cả khi văn bản giấy tờ đầy đủ thì cũng rất khó để bạn có thể đòi lại được đất. Liên quan đến nội dung này chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn ở phần dưới đây.
Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất
LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN ĐẤT ĐAI – 097.111.5989 (zalo)
05 Lưu ý khi mua đất nhờ người khác đứng tên.
Nếu sau khi cân nhắc các rủi ro mà vẫn không có lựa chọn nào khác tốt hơn ngoài việc để người khác đứng tên trên sổ đỏ thì bạn cần phải cần lưu ý các điểm sau:
- Kiểm tra kỹ nhân thân, thông tin của người đứng tên trên sổ đỏ xem có thể tin tưởng được hay không;
- Không nên để mặc việc mua đất cho người nhận tiền mà cần nắm được các thông tin liên quan đến thửa đất. Tính pháp lý của thửa đất định mua bởi nếu mua phải đất có rủi ro về pháp lý thì bạn là người sẽ bị ảnh hưởng trước hết;
- Cần có văn bản thỏa thuận; hợp đồng góp vốn ghi nhận rõ nội dung gửi tiền, góp vốn, mục đích và các nội dung khác một cách rõ ràng, đầy đủ nhất;
- Việc giao nhận tiền cần có văn bản, chứng từ xác nhận. Ghi nhận rõ mục đích, nội dung của việc giao nhận tiền;
- Hãy làm thủ tục sang tên cho mình ngay khi có thể. Càng để lâu thì càng thêm rủi ro. Nếu người đứng tên trên sổ đỏ chết hoặc tự ý chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp cho người khác thì bạn sẽ bị cuốn vào tranh chấp. Ngay cả khi thắng kiện cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí.
Nhờ người khác đứng tên mua nhà đất có đòi lại được không?
Gửi tiền nhờ người thân ở Việt Nam mua đất giờ có đòi lại đất được không? Ký hợp đồng hợp tác góp vốn chung tiền mua đất để đầu tư giờ có khởi kiện để chia đất được không? Đây là hai trường hợp điển hình mà Luật sư chúng tôi thường gặp khi tư vấn đất đai. Thực tế hiện nay Bộ luật dân sự 2015; Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể để giải quyết vấn đề này. Từ đó dẫn đến hệ quả việc áp dụng luật của người dân và thậm chỉ cả Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp mua đất nhờ người khác đứng tên còn chưa có sự thống nhất.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì hậu quả pháp lý của việc để người khác đứng tên trên sổ đỏ sẽ tùy vào từng trường hợp. Cụ thể như sau:
Người nước ngoài gửi tiền nhờ người Việt Nam.
Luật đất đai 2013 hiện nay quy định cấm người nước ngoài đứng tên trên sổ đỏ tại Việt Nam. Nếu có nhu cầu về nhà ở thì người nước ngoài được phép mua nhà trong các dự án nhà ở thương mại. Các dự án này cũng phải đủ điều kiện mới được cho phép bán với tỷ lệ không quá 30% số căn hộ. Tuy nhiên có nhiều người nước ngoài vì lý do nào đó vẫn chuyển tiền để người Việt Nam đứng tên mua đất hộ. Đối với trường hợp này nếu phát sinh tranh chấp nhờ người đứng tên mua đất thì Tòa án sẽ giải quyết như sau:
- Hợp đồng, văn bản thỏa thuận (nếu có) về việc nhờ người đứng tên mua đất ở Việt Nam sẽ bị tuyên vô hiệu.
- Người nước ngoài không đòi lại được đất, không được đứng tên trên sổ đỏ đất mình đã nhờ mua.
- Người nước ngoài được hoàn lại số tiền đã chuyển cho người Việt Nam để mua đất.
- Tòa án xác định thiệt hại, lỗi của các bên để tính mức bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại (nếu có).
LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN ĐẤT ĐAI – 097.111.5989 (zalo)
Việt Kiều, người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi tiền nhờ người thân ở Việt Nam mua đất.
Nội dung vụ việc tranh chấp:
Chào Luật Sư! Tôi tên là Trần Mỹ D sinh năm 1967 hiện đang định cư tại California, Hoa Kỳ. Năm 2009 tôi có gửi 36.000 USD về nhờ chị gái tôi là Trần Mỹ X ở Việt Nam đứng tên mua lô đất 500m2 tại Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Vừa rồi tôi định về xây dựng nhà trên đất nhưng chị X không đồng ý. Lô đất trên hiện tại có giá khoảng 12 tỷ. Nhưng giờ chị X chỉ bảo sẽ trả lại tôi số tiền đã nhận kèm lãi suất ngân hàng. Luật sư cho hỏi tôi có thể kiện đòi lại đất nhờ chị X đứng tên mua hộ được hay không?
Cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn tranh chấp nhờ người đứng tên mua đất:
Đối với trường hợp tranh chấp nêu trên nếu các bên không thể tự thỏa thuận thì chỉ có thể khởi kiện đề nghị tòa án giải quyết. Khi đó để bảo vệ quyền lợi của mình chị D cần phải chứng minh được:
- Có việc chuyển tiền cho chị X. Nếu chị X đã thừa nhận thì sẽ được tòa án chấp nhận.
- Mục đích của việc chuyển tiền là nhằm nhờ mua đất hộ.
Khi có chứng cứ chứng minh cho 2 vấn đề trên thì vụ việc tranh chấp sẽ được giải quyết như sau:
- Trường hợp chị D vẫn còn quốc tịch Việt Nam Nếu chị X thừa nhận có việc nhờ đứng tên mua đất. Chấp nhận sang tên lại cho chị D thì Tòa án chấp nhận việc đòi lại đất. Chị X được thanh toán công sức tôn tạo, quản lý tài sản tranh chấp.
- Trường hợp chị D không còn quốc tịch Việt Nam; Thỏa thuận nhờ chị X đứng tên mua đất nếu có cũng sẽ bị tuyên vô hiệu. Tòa án không chấp nhận việc đòi lại đất chị X đã đứng tên sổ đỏ. Việc giải quyết các hậu quả pháp lý khác như trường hợp người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên mua đất.
Người Việt Nam góp vốn đầu tư mua đất, nhờ đứng tên mua đất.
Đối với trường hợp các bên góp vốn đầu tư mua đất hoặc nhờ người khác đứng tên mua đất thực tế hiện nay có rất nhiều luồng quan điểm, ý kiến khác nhau. Khi tranh chấp hợp đồng góp vốn chung tiền mua đất, nhờ đứng tên mua đất được khởi kiện ra tòa thì Tòa án cũng chưa thống nhất trong cách giải quyết.
Quan điểm thứ nhất:
Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi chia đất theo hợp đồng góp vốn. Chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất nhờ người khác đứng tên mua. Chỉ cần người khởi kiện chứng minh được có việc góp vốn; nhờ đứng tên mua đất thì có thể đòi lại được sổ đỏ. Người đứng tên hộ được thanh toán công sức, chi phí đã bỏ ra.
Những người theo quan điểm này đưa ra căn cứ; Bộ luật dân sự 2015 không cấm các bên thỏa thuận góp vốn mua đất. Không cấm việc nhờ người khác đứng tên mua đất. Do vậy nếu chứng minh được có việc góp vốn; thỏa thuận nhờ đứng tên thì tòa án cần chấp nhận yêu cầu đòi lại đất.
Quan điểm thứ hai:
Hợp đồng góp vốn mua đất, chung tiền đầu tư đất dự án; Hợp đồng, văn bản thỏa thuận nhờ người khác đứng tên mua đất hộ vô hiệu. Căn cứ để Tòa án tuyên hợp đồng góp vốn mua đất để người khác đứng tên sổ đỏ vô hiệu được viện dẫn như sau:
- Thứ nhất, bên góp vốn, bên nhờ người khác đứng tên mua đất không phải là chủ thể ký kết hợp đồng mua bán đất. Cũng không có văn bản ủy quyền hợp pháp cho người khác mua đất. Do vậy không có căn cứ để công nhận việc chuyển nhượng và cấp sổ đỏ.
- Thứ hai, Luật đất đai 2013, Bộ luật dân sự 2015 đều quy định rõ hình thức, trình tự thủ tục góp vốn; mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc các bên không trực tiếp tham gia giao dịch mà thông qua một bên thứ ba là không đảm bảo các quy định nêu trên. Do vậy không có căn cứ để tòa án chấp yêu cầu đòi tách sổ đỏ; đòi lại đất nhờ người khác đứng tên mua.
Trong khi chưa có quy định cụ thể để giải quyết trường hợp này. Chúng tôi cho rằng luồng quan điểm thứ hai sẽ hợp lý hơn để áp dụng giải quyết tranh chấp hợp đồng góp vốn mua đất một bên đứng tên trên sổ đỏ; Thỏa thuận nhờ người khác đứng tên mua đất.Tuy nhiên thực tiễn tham gia tranh tụng Luật sư đất đai cân nhắc phương án tối ưu nhất để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Cách xác định số tiền bồi thường khi giao dịch nhờ đứng tên vô hiệu.
Khi hợp đồng góp vốn mua chung đất; văn bản thỏa thuận nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ vô hiệu về nguyên tắc các bên sẽ phải hoàn trả lại nhau những khoản tiền đã nhận. Bên nào có lỗi dẫn đến thiệt hại thì sẽ phải bồi thường. Để xác định số tiền bồi thường khi hợp đồng góp vốn mua đất; văn bản thỏa thuận nhờ người khác đứng tên mua đất vô hiệu thì cần dựa trên 2 căn cứ dưới đây:
Thiệt hại mà các bên gánh chịu khi Tòa án không công nhận hợp đồng, văn bản thỏa thuận.
Hiện nay chưa có quy định cụ thể để xác định thiệt hại trong trường hợp này. Do vậy thực tiễn khi xét xử Tòa án sẽ áp dụng tương tự pháp luật. Viện dẫn quy định của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP để xác định thiệt hại.
Theo đó khi Hợp đồng góp vốn; văn bản thỏa thuận nhờ đứng tên mua đất vô hiệu các thiệt hại sẽ gồm:
- Khoản tiền, chi phí mà người đứng tên trên sổ đỏ đã bỏ ra để cải tạo, quản lý đất. Các khoản đầu tư thêm để tăng thêm giá trị quyền sử dụng đất như; Công trình, cây cối, tài sản khác gắn liền với đất.
- Khoản tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm các bên thỏa thuận góp vốn; nhờ người đứng tên mua đất với thời điểm hiện tại.
Xác định lỗi dẫn đến Hợp đồng góp vốn, văn bản thỏa thuận nhờ đứng tên trên sổ đỏ vô hiệu.
Việc xác định bên nào có lỗi dẫn đến Hợp đồng vô hiệu được quy định tại Nghị quyết 03/2001/NQ-HĐTP. Theo đó;
- Bên chuyển tiền sẽ bị xem là có lỗi khi không tham khảo, tìm hiểu rõ quy định của pháp luật. Không tuân thủ quy định của pháp luật khi góp vốn đầu tư mua đất; chuyển tiền nhờ người khác mua đất và đứng tên trên sổ đỏ.
- Bên nhận tiền và đứng tên trên sổ đỏ bị coi là có lỗi nếu cung cấp thông tin không chính xác. Làm cho bên gửi tiền nhầm lẫn việc góp vốn, thỏa thuận nhờ đứng tên là hợp pháp. Không tuân thủ quy định của pháp luật khi góp vốn, thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Như vậy, đối với trường hợp trên thông thường cả hai bên đều bị xem là có một phần lỗi làm cho giao dịch vô hiệu. Việc xác định lỗi của bên nào lớn hơn; số tiền bồi thường là bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào tài liệu, chứng cứ trong từng vụ việc.
Hướng dẫn cách giải quyết tranh chấp mua đất nhờ người khác đứng tên.
Tranh chấp nhờ người khác đứng tên mua hộ đất thường khá phức tạp. Việc giải quyết đòi hỏi cần rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm của Luật sư. Thông thường khi xảy ra tranh chấp bạn có thể lựa chọn một trong các cách giải quyết dưới đây.
Đàm phán, thỏa thuận để giải quyết tranh chấp.
Đây là cách giải quyết tranh chấp nhờ người đứng tên mua đất nhanh gọn nhất. Nếu các bên thỏa thuận thành không chỉ đỡ mất thời gian mà còn giữ được tình cảm, quan hệ nếu người đứng tên hộ trên sổ đỏ là người thân quen. Tuy nhiên phương án giải quyết tranh chấp này cũng có nhược điểm là không phải trường hợp nào cũng có thể thỏa thuận được. Nếu bên nhận tiền, đứng tên trên sổ đỏ không hợp tác thì rất khó để thương lượng thành công.
Đề nghị khởi tố vụ án hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.
Một số trường hợp người nhận tiền góp vốn; người nhận tiền mua hộ đất cố tình cung cấp các thông tin không đúng sự thật. Tạo sự tin tưởng để người khác chuyển tiền sau đó dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt. Nếu vụ việc của bạn có dấu hiệu như trên thì có thể cân nhắc phương án đề nghị cơ quan Công an xử lý hình sự. Quyền và lợi ích của người chuyển tiền sẽ được xác định trong bản án hình sự.
Hòa giải tranh chấp góp tiền mua đất, nhờ người đứng tên mua đất tại UBND xã.
Nhiều trường hợp các bên nhờ người đứng tên mua đất đã lâu nay mới phát sinh tranh chấp. Nếu đất vẫn chưa được cấp sổ đỏ và có tranh chấp ai là chủ sử dụng đất thực sự thì bạn có thể đề nghị UBND xã hòa giải tranh chấp đất đai. Quá trình hòa giải nếu thành thì có thể đề nghị công nhận kết quả hòa giải. Còn nếu hòa giải không thành thì cũng là bước để thu thập tài liệu chứng cứ. Hòa giải cũng là điều kiện cần phải có trước khi khởi kiện vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất.
Tham khảo thêm bài viết: Quy trình, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
Khởi kiện vụ án tranh chấp mua đất nhờ người đứng tên trên sổ đỏ ra Tòa án.
Vụ việc tranh chấp nhờ người khác mua đất đứng tên trên sổ đỏ nếu không thể thương lượng; hòa giải thành thì một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa án. Đây là cách giải quyết tranh chấp Hợp đồng góp vốn; nhờ người khác mua đất đứng tên hộ trên sổ đỏ phổ biến nhất hiện nay. Mẫu đơn khởi kiện, Hồ sơ và trình tự thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp nhờ người đứng tên mua đất sẽ được Luật Hùng Bách hướng dẫn chi tiết ở phần dưới đây.
LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN ĐẤT ĐAI – 097.111.5989 (zalo)
Mẫu đơn khởi kiện tranh chấp mua đất nhờ người khác đứng tên.
Mẫu đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng góp vốn mua chung đất; Mua đất nhờ người khác đứng tên sổ đỏ phải đầy đủ nội dung theo như quy định của Bộ luật TTDS 2015. Chi tiết được quy định tại mẫu số 23-DS, ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HDTP. Cụ thể đơn khởi kiện sẽ phải có các nội dung sau:
- Quốc hiệu, tiêu ngữ.
- Tên đơn khởi kiện.
- Kính gửi Tòa án.
- Thông tin người khởi kiện (Họ tên; Năm sinh; Địa chỉ; Số điện thoại/email,..)
- Thông tin người bị kiện (Họ tên; Năm sinh; Địa chỉ; Số điện thoại/email,..)
- Thông tin người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan(Họ tên; Năm sinh; Địa chỉ; Số điện thoại/email,..)
- Nội dung yêu cầu tòa án giải quyết.
- Thông tin người làm chứng (Họ tên; Năm sinh; Địa chỉ; Số điện thoại/email,..)
- Danh sách tài liệu chứng cứ kèm theo.
Đơn khởi kiện tranh chấp nhờ người đứng tên mua đất có thể được viết tay hoặc đánh máy. Tuy nhiên hiện nay hầu hết các tòa đều yêu cầu đánh máy để nội dung rõ ràng.
Tham khảo thêm bài viết chi tiết: Mẫu đơn khởi kiện tranh chấp đất đai.
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp mua đất nhờ người khác đứng tên.
Cùng với đơn khởi kiện bạn phải nộp kèm theo các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Hồ sơ khởi kiện tranh chấp Hợp đồng góp vốn mua đất; Thỏa thuận mua đất nhờ người khác đứng tên hộ trên sổ đỏ sẽ gồm các giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện;
- Giấy tờ nhân thân như Chứng minh nhân dân/Hộ khẩu/Hộ chiếu,. của các đương sự;
- Hợp đồng góp vốn; Văn bản thỏa thuận nhờ đứng tên mua đất hộ;
- Chứng cứ giao nhận, thanh toán tiền;
- Chứng cứ liên quan đến việc bỏ ra chi phí tạo lập, t
- Biên bản hòa giải tranh chấp (nếu có).
- Các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan.
Hồ sơ khởi kiện bạn có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc. Thủ tục, các bước giải quyết hồ sơ sẽ được chúng tôi hướng dẫn chi tiết dưới đây.
Thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp mua đất nhờ người khác đứng tên.
Quy trình, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp Hợp đồng góp vốn mua đất chung; Thỏa thuận mua nhà đất nhờ người khác đứng tên sổ đỏ sẽ theo trình tự các bước như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị Hồ sơ khởi kiện gồm các giấy tờ như đã nêu ở trên;
- Bước 2: Nộp hồ sơ tại tòa án có thẩm quyền;
- Bước 3: Nộp tạm ứng án phí và làm thủ tục để tòa án thụ lý vụ án;
- Bước 4: Tòa án triệu tập các đương sự lấy lời khai, xác minh, thu thập chứng cứ cần thiết;
- Bước 5: Tòa án mở phiên họp hòa giải; Kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai và công bố chứng cứ.
- Bước 6: Mở phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng góp vốn đầu tư mua đất; Gửi tiền nhờ người khác đứng tên mua đất.
Lưu ý về bản án tranh chấp nhờ người khác đứng tên đất.
Sau khi tòa tuyên án nếu các đương sự không kháng cáo, VKS không có kháng nghị trong thời hạn luật định thì bản án sẽ có hiệu lực. Nếu có kháng cáo, kháng nghị thì tòa cấp trên sẽ thụ lý và xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Về cơ bản thủ tục giải quyết tranh chấp nhờ người đứng tên mua đất sẽ gồm các bước như trên. Tuy nhiên thực tế quá trình tố tụng tại Tòa án sẽ tốn thời gian và phức tạp hơn rất nhiểu. Do đó đòi hỏi kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn sâu của Luật sư tham gia tranh tụng. Nếu bạn không có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp tại tòa án thì có thể ủy quyền cho Luật sư giải quyết.
Tham khảo thêm bài viết: Án phí khởi kiện tranh chấp đất đai hết bao nhiêu tiền?
Luật sư tư vấn, giải quyết tranh chấp mua nhà đất nhờ người khác đứng tên.
Luật sư đất đai – Luật Hùng Bách.
Luật Hùng Bách là đơn vị tư vấn pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đất đai hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Với đội ngũ Luật sư giỏi, giàu kinh nghiệm chúng tôi có thể hỗ trợ khách hàng thực hiện các công việc như:
- Nghiên cứu hồ sơ, tư vấn phương án tối ưu để giải quyết tranh chấp;
- Soạn thảo Đơn khởi kiện, văn bản tố tụng.
- Đại diện theo ủy quyền thay mặt khách hàng giải quyết tranh chấp đất đai; Tranh chấp hợp đồng góp vốn đầu tư mua đất chung, mua đất dự án.
- Cử Luật sư tham gia tố tụng tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Bên cạnh việc tư vấn, giải quyết tranh chấp trong trường hợp nêu trên. Luật sư của chúng tôi còn có thể tư vấn, giải đáp tất cả các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, dân sự khác.
Liên hệ Luật Hùng Bách.
Nếu bạn cần Luật sư tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp đất đai. Hãy liên hệ Luật Hùng Bách bằng một trong các phương thức dưới đây:
Liên hệ Luật sư làm việc tại Văn phòng, chi nhánh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nhật Bản,… theo các phương thức sau:
- Email: Luathungbach@gmail.com/
- Điện thoại: 097.111.5989 (Zalo)
- Fanpage: Công ty Luật Hùng Bách
- Website: https://luathungbach.vn/
Trân trọng!