Bản án ly hôn đơn phương với người ở Nhật Bản


Thông tin bản án ly hôn đơn phương với người ở Nhật Bản

Loại vụ việc: Ly hôn đơn phương một bên ở nước ngoài. 

Cấp xét xử: Sơ thẩm.

Tòa án giải quyết: Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

Công ty Luật TNHH Luật Hùng Bách tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng Dương Thị T – là Nguyên đơn trong vụ việc.

Khái quát thông tin vụ việc 

Chị T và anh L kết hôn năm 2017. Sau khi kết hôn cuộc sống hạnh phúc. Năm 2020 chị T sang Nhật Bản làm việc, kể từ đó cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng phát sinh nhiều bất đồng, mâu thuẫn. Sau khoảng thời gian hai bên không tìm được tiếng nói chung, mâu thuẫn trở nên trầm trọng. Vì vậy, chị T làm thủ tục ly hôn đơn phương một bên ở Nhật Bản. Đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết cho chị được với anh L theo quy định.

Bản án ly hôn đơn phương một bên ở Nhật Bản
Luật sư hỗ trợ ly hôn có yếu tố nước ngoài – Nhật Bản: 0979.890.858 (Zalo) 

Nội dung vụ án ly hôn đơn phương với người ở Nhật Bản

Ngày 01 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hôn nhân và gia đình thụ lý số: …/2022/TLST- HNGĐ ngày 07 tháng 12 năm 2022 về việc “Tranh chấp hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: …/2023/QĐXXST- HNGĐ ngày 08 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Dương Thị T, sinh năm 1988;

Nơi đăng ký HKTT: Thôn T, xã T, huyện L, tỉnh Tuyên Quang.

Nơi ở hiện nay: Nhật Bản, (có đơn xin xét xử vắng mặt).

2. Bị đơn: Anh Hoàng L, sinh năm 1985;

Địa chỉ: phường T, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang, (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Nguyên đơn chị Dương Thị T trình bày.

Về quan hệ hôn nhân.

Chị và anh Hoàng L kết hôn với nhau trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, đã được UBND phường T, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang cấp giấy chứng nhận kết hôn năm 2017. Sau khi kết hôn, vợ chồng chung sống bình thường đến đầu năm 2019 bắt đầu phát sinh nhiều mâu thuẫn. Ngày qua ngày, vợ chồng có lời qua tiếng lại, bất đồng quan điểm về kinh tế, lối sống, cách nuôi dạy con cái. Mâu thuẫn xảy ra thường xuyên khiến cho cuộc sống chung hết sức nặng nề. Tới tháng 2/2020, chị đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản để kiếm sống nuôi gia đình. Thời gian đầu, chị vất vả nơi đất khách quê người, nhưng ngược lại không nhận được sự quan tâm của anh L.

Nay, chị xác định tình cảm vợ chồng không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang giải quyết cho chị T được ly hôn với anh Hoàng L.

Về con chung.

Quá trình chung sống chị và anh Hoàng L có 01 con chung là cháu Hoàng Trường G, sinh ngày 09/6/2018, hiện nay cháu G đang ở cùng bố mẹ đẻ chị T tại thôn T, xã V, huyện C, tỉnh Tuyên Quang. Ly hôn, chị T có nguyện vọng được nuôi dưỡng cháu Hoàng Trường G, tuy nhiên hiện tại chị T đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài nên chị T muốn để cháu G cho bố mẹ đẻ của chị trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc cháu G cho đến khi chị T về nước. Về cấp dưỡng nuôi con vợ chồng chị sẽ tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về tài sản chung và vay nợ chung.

Vợ chồng chị tự thỏa thuận nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bị đơn anh Hoàng L trình bày.

Về quan hệ hôn nhân.

Anh và chị Dương Thị T đăng ký kết hôn ngày 23/11/2017, đăng ký kết hôn tại UBND phường T, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang. Trước khi kết hôn hai bên được tự do tìm hiểu và được tổ chức cưới hỏi theo phong tục tập quán địa phương. Sau khi kết hôn anh chị chung sống tại phường T, thành phố T cho đến nay. Tháng 2/2020 chị T đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, sau khi chị T đi ít liên lạc về với gia đình, anh có gọi điện thoại cho chị T nhiều lần nhưng chị T không nghe, vợ chồng anh đã không liên lạc với nhau khoảng 02 năm. Nay chị T đề nghị ly hôn với anh, anh thấy tình cảm vợ chồng không còn nữa anh nhất trí ly hôn với chị T.

Về con chung.

Quá trình chung sống anh và chị Dương Thị T có 01 con chung là cháu Hoàng Trường G, sinh ngày 09/6/2018, hiện nay cháu G đang ở với anh. Ly hôn, chị T đề nghị được nuôi dưỡng cháu G anh không nhất trí vì hiện nay chị T đang đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản không có thời gian, điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con. Do đó anh đề nghị được nuôi dưỡng cháu G và không yêu cầu chị T cấp dưỡng nuôi con chung.

Về tài sản chung và vay nợ chung.

Anh L xác định giữa anh và chị Dương Thị T không có tài sản chung và không vay nợ chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Đại diện VKSND tỉnh tỉnh Tuyên Quang phát biểu ý kiến tại phiên tòa.

  • Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và của người tham gia tố tụng (nguyên đơn, bị đơn) đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
  • Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Dương Thị T, xử cho chị Dương Thị T được ly hôn với anh Hoàng L. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Dương Thị T về việc đề nghị được nuôi con chung là cháu Hoàng Trường G, giao cháu G cho anh Hoàng L là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con chung sau khi ly hôn.
  • Về tài sản chung và vay nợ chung: chị T và anh L không yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Về án phí buộc chị Dương Thị T phải chịu án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm.
  • Các đương sự được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Nhận định của Tòa án về vụ án ly hôn đơn phương với người ở Nhật Bản.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và các chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

Về áp dụng pháp luật tố tụng dân sự.

Chị Dương Thị T và anh Hoàng L kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn, vì vậy đây là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Chị Tuyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với anh L (chị T đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản). Do vậy quan hệ pháp luật tranh chấp xác định là “Tranh chấp hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài” theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Chị Dương Thị T cư trú tại: Thôn T, xã T, huyện L, tỉnh Tuyên Quang, nơi ở hiện nay: Nhật Bản. Anh Hoàng L cư trú tại địa chỉ: phường T, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang. Vì vậy, căn cứ khoản 3 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm d khoản 1 Điều 469 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án là Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

Về nội dung.

Xét xử vắng mặt

Chị Dương Thị T và anh Hoàng L đều có đơn xin xét xử vắng mặt. Vì vậy, Tòa án tiến hành giải quyết xét xử vụ án vắng mặt chị Dương Thị T và anh Hoàng L theo quy định tại Điều 238 Bộ luật Tố tụng dân sự (quy định thủ tục xét xử vắng mặt những người tham gia tố tụng).

Về yêu cầu ly hôn của chị Dương Thị T.

Chị Dương Thị T và anh Hoàng L tự nguyện đăng ký kết hôn tại UBND phường T, thành phố T vào năm 2017. Sau khi kết hôn, năm 2020 chị T xuất khẩu lao động sang nước Nhật Bản, hiện nay chị T đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản còn anh L sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Cuộc sống chung của hai vợ chồng ban đầu hạnh phúc, tuy nhiên từ khi chị T đi nước ngoài vợ chồng bắt đầu phát sinh mâu thuẫn do sống xa nhau, thường xuyên cãi nhau, bất đồng quan điểm sống, anh chị sống ly thân từ năm 2020 cho đến nay.

Bản thân anh L và chị T đều xác định vợ chồng không còn tình cảm, không thể quay lại đoàn tụ được. Chị T có đơn xin ly hôn, anh L cũng nhất trí ly hôn. Như vậy thấy rằng do vợ chồng sống xa nhau quá lâu, trong thời gian xa nhau anh L, chị T không hỏi han, quan tâm chăm sóc gì với nhau, đời sống chung vợ chồng trên thực tế không còn tồn tại. Xét thấy mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, do đó yêu cầu xin ly hôn của chị T là có căn cứ cần chấp nhận theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình.

Về việc giao nuôi con chung khi ly hôn.

Quá trình chung sống chị T và anh L có một con chung là cháu Hoàng Trường G, sinh ngày 09/6/2018. Chị T và anh L đều đề nghị được nuôi dưỡng cháu G. Qua xác minh hiện nay cháu G đang ở cùng bố mẹ đẻ chị T tại thôn T, xã V.

Xét về điều kiện, hoàn cảnh kinh tế.

Anh L hiện nay đang làm bảo vệ tại Công ty G với mức lương khoảng 7.000.000đ/01 tháng, ngoài ra anh L cũng làm thêm một số công việc tự do khác nên có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cháu G.

Chị T đang đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản không có thời gian, điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng cháu G. Chị T có nguyện vọng giao cháu G cho bố mẹ đẻ chị chăm sóc cho đến khi chị về nước.

Về trách nhiệm nuôi dưỡng con chung.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 quy định việc trông nom chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con…”. Căn cứ quy định trên người có trách nhiệm nuôi dưỡng con chung sau khi ly hôn là anh L, chị T. Bố mẹ chị T không có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con chung của anh L và chị T.

Nhận định.

Do đó, để đảm bảo ổn định cuộc sống và môi trường học tập của cháu G, HĐXX căn cứ vào các Điều 81, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân gia đình giao cháu Hoàng Trường G, sinh ngày 09/6/2018 cho anh L trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục. Chị T không phải cấp dưỡng nuôi con chung và được quyền đi lại thăm nom con chung không ai được cản trở. Các bên có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung.

Về tài sản chung và vay nợ chung.

  • Chị Dương Thị T đề nghị tài sản chung tự thỏa thuận, anh Hoàng L xác định không có tài sản chung nên không đề nghị Tòa án giải quyết.
  • Về vay nợ chung: Chị Dương Thị T và anh Hoàng L đều xác định anh chỉ không vay nợ ai nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về án phí.

  • Chị Dương Thị T phải chịu án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm, anh Hoàng L không phải chịu án phí.
  • Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

Quyết định

Căn cứ vào khoản 1 Điều 28; khoản 3 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 37; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 4 Điều 147; khoản 2, khoản 4 Điều 207 và các Điều 228; 238; 264; 266; 271; 273; 469; 479 Bộ luật Tố tụng dân sự. Áp dụng khoản 1 Điều 51; Điều 56; Điều 58; 81; 82; 83; 84 của Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Xử

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện xin ly hôn của chị Dương Thị T.

  • Về quan hệ hôn nhân: Xử cho chị Dương Thị T được ly hôn với anh Hoàng L.
  • Về nuôi con chung: Giao cháu Hoàng Trường G, sinh ngày 09/6/2018 cho anh L là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Chị T không phải cấp dưỡng nuôi con và được quyền đi lại thăm nom con chung không ai được cản trở. Các bên có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau khi ly hôn.

2. Về án phí.

Chị Dương Thị T phải chịu 300.000₫ (Ba trăm nghìn đồng) án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000₫ (Ba trăm nghìn đồng) tại biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005232 ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang (do anh Phạm Tiến H nộp thay). Chị T đã nộp đủ án phí. Anh L không phải nộp án phí.

3. Về quyền kháng cáo

Anh Hoàng L vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ. Chị Dương Thị T vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 01 tháng kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ hoặc bản án được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Ly hôn đơn phương một bên ở Nhật Bản
Liên hệ hỗ trợ thủ tục ly hôn đơn phương một bên ở Nhật Bản nhanh – trọn gói: 0979.890.858 (Zalo) 

Luật Hùng Bách chuyên hỗ trợ giải quyết các thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài:

  • Ly hôn có yếu tố nước ngoài nhanh;
  • Ly hôn thuận tình, đơn phương vắng mặt;
  • Ly hôn một bên ở nước ngoài;
  • Ly hôn cả hai bên ở nước ngoài;
  • Ly hôn với người nước ngoài;
  • Ly hôn có tranh chấp tài sản chung, con chung,…;

Khách hàng có nhu cầu hỗ trợ vui lòng liên hệ Luật Hùng Bách qua một trong các phương thức sau:

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *