Phát lại hay thừa phát lại là một chế định không mới trong quy định của pháp luật Việt Nam. Vậy, Phát lại hay Thừa phát lại là gì? Chế định này có chức năng thế nào theo quy định của pháp luật. Trung tâm vi bằng Luật Hùng Bách sẽ cung cấp thông tin về để các bạn hiểu rõ hơn về chế định này trong bài viết dưới đây.
Thừa phát lại là gì?
Đầu tiên, để hiểu được vấn đề này, các bạn phải xác định được rõ thuật ngữ Phát lại. Phát lại hay Thừa phát lại đều được dùng để chỉ một chức danh bổ trợ tư pháp, tuy nhiên Phát lại là cách gọi được dùng theo ngôn ngữ thường ngày, dựa trên chức năng của chế định này mà họ được gọi với tên rút gọn này. Theo quy định của pháp luật, thuật ngữ chính xác nhất được dùng cho chế định này phải là “Thừa phát lại”.
Nội hàm của tên gọi này được xác định chi tiết tại khoản 1, điều 2 nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại như sau: “ Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”.
Như vậy, thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, giống tên gọi của một số chức danh tư pháp khác như: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên… Một mặt thừa phát lại không phải là công chức, không phải người đại diện cho nhà nước, nhưng mặt khác, thừa phát lại được nhà nước tuyển chọn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và bổ nhiệm để làm một số công việc thuộc thẩm quyền của Nhà nước.
Xem thêm: Phân biệt vi bằng và công chứng
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại.
Khái niệm Thừa phát lại đã chỉ rõ Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm, đồng thời điều 6, nghị định 08/2020/NĐ-CP về Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Theo đó, một người để được bổ nhiệm chức danh này cần đạt đủ một số tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật như sau:
Tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của thừa phát lại.
Để được bổ nhiệm chức danh này, người được bổ nhiệm cần có có nền tảng cơ bản về pháp luật, phải có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật. Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật. Là một chức danh bổ trợ tư pháp, cũng tương tự như luật sư hay công chứng viên, pháp luật và thực tiễn đòi hỏi Thừa phát lại phải có các nghiệp vụ phù hợp với chức danh.
Do đó họ cần tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại. Quy định này hướng tới yêu cầu liên quan đến kinh nghiệp hành nghề luật, do đó nếu thuộc một số trường hợp sau thì những người này chỉ cần tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại mà được miễn đào tạo nghề.
Các đối tượng thuộc trường hợp này bao gồm: người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; luật sư, công chứng viên đã hành nghề từ 05 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;…. Và cuối cùng, người muốn được bổ nhiệm cần phải đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại, đây là là quá trình mà các tập sự Thừa phát lại được tiếp xúc thực tiễn hành nghề.
Tiêu chuẩn khác của thừa phát lại.
Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt. Như đã phân tích, Thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, vì vậy công việc của họ phải thực hiện sẽ liên quan mật thiết đến các quy định pháp luật và tạo ra những hậu quả pháp lý có ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các chủ thể pháp luật.
Nhìn từ góc độ của người dân, những người có nhu cầu thực hiện các thủ tục pháp lý trong thẩm quyền của Thừa pháp lại như lập vi bằng hay xác minh điều kiện thi hành án….. sẽ không có đủ tin tưởng và có sự đánh giá tiêu cực nếu người được pháp luật cho phép tiến hành cá thủ tục pháp lý lại có hành vi vi phạm pháp luật hay đạo đức.
Xem thêm: Vi bằng là gì? giá trị pháp lý của vi bằng
Chức năng của Thừa phát lại.
So với các quy định cũ, nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại là quy định mới nhất có hiệu lực pháp luật trong lĩnh vực này đã quy định mở rộng hơn về chức năng của chế định này. Quy định mới trong nghị định 08 nói trên không mở rộng các chức năng cụ thể mà mở rộng về phạm vi của các chức năng, cụ thể, Chức năng của Thừa phát lại tho qy định mới sẽ bao gồm:
Thứ nhất, chức năng Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của thừa phát lại.
Thông thường, trong quá trình thực hiện công việc của mình các cơ quan tư pháp để giải quyết được các yêu cầu của người dân phải có sự liên hệ để thông báo, chuyển tài liệu thông qua hoạt đồng tống đạt. Nhưng với nguồn nhân sự không lớn và phải giải quyết rất nhiều công việc, các cơ quan tư pháp không phải lúc nào cũng có thể chuyển các văn bản đến người dân một cách nhanh chóng và chính xác.
Đối với giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, thông báo, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định, quyết định kháng nghị của Tòa án; thông báo, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập, thông báo của cơ quan thi hành án dân sự.
Đối với giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, các loại văn bản này sẽ được thực hiện tống đạt theo yêu cầu và hợp đồng dịch vụ được ký kết giũa văn phòng thừa phát lại và Bộ tư pháp.
Thứ hai, chức năng lập vi bằng của thừa phát lại.
Lĩnh vực lập vi bằng đã có thêm một điểm mới đáng chú ý và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình hành nghề và hiệu quả công việc của Thừa phát lại. Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đã cho phép thừa phát lại có thể tiến hành thủ tục lập vi bằng trên phạm vi cả nước.
Vì vậy, hiện nay ngoài các trường hợp pháp luật quy định không được lập vi bằng, Thừa phát lại có quyền lập vi bằng với các sự kiện, hành trên mọi tỉnh thành mà không bị giới hạn. Quy định mới này không chỉ hỗ trợ cho công việc của Thừa phát lại mà còn tạo điều kiện cho những người dân có nhu cầu thực hiện thủ tục này, do không phải tỉnh thành hoặc quân huyện nào đều có văn phòng Thừa phát lại.
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật. Lập vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, do đó việc lập vi bằng theo đúng quy định sẽ giúp hạn bên yêu cầu hạn chế được rủi do có thể xảy ra.
Xem thêm: Các trường hợp không được lập vi bằng chi tiết nhất
Có mấy loại vi bằng?
Vi bằng được chia làm 2 lại là vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi và vi bằng ghi nhận hiện trạng. Trong đó, Vi bằng ghi nhận hiện trạng có thể lập khi các bên kết hôn, ly hôn hoặc trong trường hợp ghi nhận di sản thừa kế; Xác nhận tình trạng tài sản bị hư hỏng do hành vi của người khác; Tình trạng tài sản liền kề trước khi xây dựng công trình…..
Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi gồm một số trường điển hình như: Lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tài sản, giao nhận tiền; Lập vi bằng ghi nhận họp của công ty; Lập vi bằng ghi nhận việc đặt cọc; Lập vi bằng ghi nhận việc báo chí đưa tin sai sự thật; Lập vi bằng ghi nhận việc sử dụng thông tin hình ảnh người khác trái pháp luật.
Thứ ba, thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án.
Theo quy định của nghị định mới về Thừa phát lại, Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở và việc này được thực hiện dựa trên yêu cầu của người yêu cầu ( thường là bên có quyền trong vụ việc). Thủ tục thực hiện xác minh sẽ được thực hiện như sau: Khi đã tiếp nhận yêu cầu và các tài liệu của khách hàng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại ra quyết định xác minh. Việc xác minh được tiến hành bằng văn bản yêu cầu hoặc trực tiếp.
Văn bản xác minh điều kiện thi hành án.
Nếu việc xác minh được thực hiện bằng văn bản thì thừa phát lại phải lập công văn trong đó nêu rõ đối tượng cần xác minh, các nội dung cần xác minh, thông tin cần cung cấp… sau đó gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần xác minh, cung cấp thông tin để yêu cầu cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến việc xác minh. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp.
Khi trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án của đương sự, Thừa phát lại phải trực tiếp thu thập thông tin, gặp các bên liên quan hay trực tiếp đến nơi có tài sản để xác minh về tình trạng tài sản của người phải thi hành án. Việc xác minh phải được lập thành biên bản. Biên bản xác minh phải có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.
Thứ tư, Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.
Thừa phát lại chỉ thực hiện thi hành án trong các trường hợp:
- Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện và bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
- Đối với bản án, quyết định phúc thẩm, có thể thi hành án với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện;
- bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
Tóm lại:
Thừa phát lại được thi hành án dân sự với các bản án, quyết định có hiệu lực đã được xét xử sơ thẩm tại tòa án nhân dân trong phạm vi tỉnh mà văn phòng Thừa phát lại có trụ sở. Ngoài ra, con một điều kiện khác liên quan đến trường hợp Thừa phát lại có thể thi hành án là: Các yêu cầu thi hành án của khách hàng không thuộc thẩm quyền Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án, bao gồm:
- Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
- Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
- Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản;
- Các khoản thu khác cho Nhà nước;
- Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Chi phí thực hiện các công việc của Thừa phát lại.
Xem thêm: Cách lập vi bằng như thế nào? Thủ tục lập vi bằng
Đối với những người có nhu cầu thực hiện các thủ tục về thi hành án dân sự hay lập vi bằng, mà đang tìm hiểu về chi phí để thừa phát lại thực hiện các thủ tục này, các bạn bạn có thể tham khảo của nghị định mới về Thừa phát lại – Nghị định 08/2020/NĐ-CP. Các quy định này sẽ được chúng tôi phân tích cụ thể dưới đây.
Chi phí thừa phát lại thực hiện chức năng tống đạt.
Đối với chi phí thực hiện chức năng tống đạt, tại khoản 2, điều 62, nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định khung mức phí tống đạt là: Tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc. Ngoài ra, trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân.
Cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về chi phí tống đạt, bao gồm: Chi phí phát sinh thực tế nhưng không vượt quá chế độ công tác phí theo quy định của pháp luật áp dụng đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Chi phí lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án.
Thông thường, các văn phòng Thừa phát lại sẽ phải niêm yết công khia các lại chi phí này, xác định mức giá và cách tính. Ngoài ra, các trường hơp phát sinh thêm chi phí đi lại hay phí dịch vụ cung cấp thông tin,….. các bên có thể được tự thỏa thuận trên sự bình đẳng. Sự thỏa thuận nà phải được ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ để tránh các tranh chấp xảy ra sa này.
Chi phí thừa phát lại thực hiện thi hành án dân sự.
Cuối cùng, chi phí thực hiện thi hành án dân sự của Thừa phát lại, mức phí này được quy định chung cho cả cơ quan thi hành án dân sự của nhà nước và thi hành án dân sự tư – Thừa phát lại tại thông tư số 216/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phi thi hành án dân sự như sau:
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 190.000.000 đồng cộng với 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7.000.000.000 đồng;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 220.000.000 đồng cộng 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10.000.000.000 đồng;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.
Lưu ý:
Chi phí cho việc thi hành án của Thừa phát lại cùng được quy định chung một mức với cơ quan thi hành án dân sự, tuy nhiên, nếu một người có yêu cầu Thừa phát lại thi hành bản án, quyết định mà mình là người được hưởng quyền lợi, thi yêu cầu đó lại mang tính chất dân sự. Vì vậy, Điều 65, nghị định 08/2020/NĐ-CP cũng ghi nhận sự thỏa thuận của các bên về chi phí này, đối với những vụ việc phức tạp, Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu thi hành án có thể thỏa thuận về mức chi phí thực hiện công việc.
Dịch vụ Thừa phát lại.
Nếu có vướng mắc hoặc các nhu cầu khác liên quan đến dịch vụ Thừa phát lại như lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án hoặc thi hành án dân sự, các bạn có thể liên hệ Trung tâm vi bằng Luật Hùng Bách. Với đội ngũ nhiều kinh nghiệm, chúng tôi cung cấp dịch vụ Thừa phát lại trên phạm vi cả nước một cách nhanh chóng và chính xác. Mọi liên hệ sẽ được hỗ trợ thông qua số điện thoại 0975.686.065 (có zalo) hoặc địa chỉ email luathungbach@gmail.com.
TA