Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ mới nhất


Hiện nay không ít người sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các giấy tớ liên quan thể hiện quyền sử dụng đất cũng không có. Khi xảy ra tranh chấp đất đai không có giấy tờ các bên thường lúng túng, không biết phải giải quyết như thế nào? Điều này khiến cho quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất không được đảm bảo. Qua bài viết dưới đây Công ty Luật Hùng Bách sẽ giúp bạn đọc giải đáp phần nào được những vướng mắc như trên. Nếu còn thắc mắc những vấn đề liên quan, vui lòng liên hệ 097.111.5989 (zalo) để được tư vấn cụ thể.

Câu hỏi:

Chào Luật sư! Gia đình tôi có 01 thửa đất vườn rừng có diện tích 3.000 m2. Diện tích đất này gia đình tôi đã sử dụng từ năm 1980. Trên đất có cây cối do gia đình canh tác và mồ mả của dòng họ. Hiện nay gia đình tôi lại phát sinh tranh chấp với nhà hàng xóm. Hàng xóm cho rằng đó là đất của gia đình họ. Gia đình đó đã xây rào, chặt hết đi cây cối, hoa màu mà trước đó gia đình tôi đã canh tác. Vì đất là của ông cha để lại, gia đình tôi cũng đã sử dụng từ rất lâu, do không am hiểu quy định của pháp luật nên gia đình tôi đã không làm thủ tục cấp sổ đỏ suốt từ năm 1980 đến nay.

Vậy xin hỏi Luật sư, đối với trường hợp tranh chấp đất đai như của gia đình tôi thì chúng tôi có thể giành lại quyền sử dụng đất được không?

(MN).

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Hùng Bách. Để trả lời cho câu hỏi của bạn, trước hết ta đi tìm hiểu thế nào là tranh chấp đất đai không có giấy tờ?

Tranh chấp đất đai không có giấy tờ là gì?

Tranh chấp đất đai không có giấy tờ là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Tranh chấp này phát sinh giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Một trong các bên hoặc tất cả các bên tranh chấp đất đai không có giấy tờ. Các giấy tờ ở đây là các giấy tờ chứng mình quyền sử dụng đất hợp pháp của bên mình. Các giấy tờ này gồm:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gồm có:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất.
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013. Loại giấy tờ này là chứng thư pháp lý, để nhà nước xác nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở, tài sản của người có quyền.

Một số giấy tờ khác đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận:

Trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013. Các giấy tờ sau đây có thể được sử dụng vào quá trình giải quyết tranh chấp:

  • Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp.
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
  • Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993.
  • Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất.
  • Giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.
  • Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993, đã được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993.
  • Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở.
  • Giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.
  • Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp.
  • Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ.
  • Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng của cơ quan có thẩm quyền.
  • Giấy tờ liên quan đến nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất đã thực hiện.
  • Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.
  • Giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10/11/1980.

=> Tranh chấp đất đai không có giấy tờ:

Là tranh chấp đất đai mà các bên không có đầy đủ một hoặc một số giấy tờ cần thiết như trên. Những giấy tờ đó là căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp. Do đó có thể thấy việc không có các giấy tờ liên quan như trên người sử dụng đất sẽ khó mà bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình giải quyết tranh chấp. Vậy nên, đây cũng là loại tranh chấp đất đai có tính phức tạp. Qúa trình giải quyết tranh chấp diễn ra khó khăn, tốn kém tiền bạc và thời gian.

tranh chấp đất không có giấy tờ
Luật sư tư vấn, giải quyết tranh chấp đất không có giấy tờ: 097.111.5989 (zalo) 

Như vậy, tranh chấp của gia đình bạn như trên là tranh chấp đất đai không cớ giấy tờ. Tính chất của những tranh chấp này thường rất phức tạp. Do đó, việc giải quyết tranh chấp cũng có nhiều quy định mang tính chất đặc thù. Muốn giải quyết triệt để, bảo đảm quyền sử dụng đất của gia đình một cách tốt nhất. Bạn cần xem xét, tìm hiểu căn cứ giải quyết lần lượt theo các nội dung cụ thể.

Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ.

Với trường hợp tranh chấp đất đai không có giấy tờ như trên sẽ phải căn cứ vào những nội dung đặc biệt. Theo khoản 1 Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai. Trường hợp tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Sổ đỏ hoặc không có các loại giấy tờ trên thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:

Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các bên tranh chấp đất đai.

Chứng cứ này là những tài liệu chứng minh việc sử dụng đất ổn định, lâu dài của các bên tranh chấp. Những chứng cứ này có thể là ý kiến làm chứng của những hộ gia đình xung quanh. Ý kiến của những cá nhân biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất tranh chấp. Chứng cứ thể hiện nguồn gốc tạo lập đất trong các trường hợp khai phá, tặng cho, chuyển nhượng,…

=> Đối với trường hợp tranh chấp nêu trên.

Theo như bạn trình bày diện tích đất đang tranh chấp gia đình bạn đã sử dụng ổn định từ năm 1980. Có thể thấy quá trình sử dụng đất của gia đình bạn đã diễn ra từ lâu. Gia đình bạn có thể thu thập, lấy ý kiến của những người dân xung quanh. Hay chủ sử dụng đất liền kề với diện tích đất đang tranh chấp. Hoặc lấy ý kiến từ những người sử dụng đất cùng thời điểm sử dụng đất với gia đình bạn.

Gia đình bạn cũng có thể lấy ý kiến của tổ trưởng tổ dân phố để làm căn cứ. Những ý kiến này sẽ xác nhận nội dung gia đình bạn là chủ thể sử dụng đất trực tiếp. Việc sử dụng này được ghi nhận từ thời điểm năm 1980 đến thời điểm diễn ra tranh chấp. Hoặc được ghi nhận từ khi người cho xác nhận biết việc sử dụng đất của gia đình bạn.

Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương.

Nhiều trường hợp diện tích đất mà các bên tranh chấp đang thực tế sử dụng ngoài diện tích đất có tranh chấp và ngoài bình quân diện tích đất mà địa phương cấp cho một nhân khẩu. Khi có sự bất hợp lý này thì căn cứ vào diện tích tranh chấp thực tế và diện tích đất được cấp theo quy chuẩn của địa phương để giải quyết tranh chấp.

=> Đối với trường hợp tranh chấp nêu trên.

Đối chiếu với trường hợp tranh chấp đất đai không có sổ đỏ như của gia đình bạn nêu trên. Đất đang tranh chấp có thể chưa được cấp giấy chứng nhận. Nhưng các giấy tờ, thông tin liên quan đến diện tích đất đang tranh chấp thì vẫn sẽ được lưu tại địa phương. Gia đình bạn có thể liên hệ với cán bộ địa chính xã để tìm hiểu, xem xem diện tích đất đang tranh chấp được ghi nhận như thế nào? Trên bản đổ địa chính và các cơ sở dữ liệu liên quan như thế nào thể hiện ra sao? Đất đó trên hồ sơ lưu trữ có diện tích thực tế là bao nhiêu?

Việc làm này mục đích để xác minh diện tích đất đang tranh chấp không có giấy tờ. Diện tích này lớn hơn hay nhỏ hơn diện tích ghi nhận trong hồ sơ của địa phương? Diện tích đó có vượt quá diện tích mà một hộ/một cá nhân được phép sử dụng không? Từ việc tìm hiểu, xem xét diện tích đất tranh chấp thực tế so với hồ sơ tại địa phương có thể rút ra nhiều căn cứ giúp ích cho quá trình đòi lại quyền sử dụng đất của gia đình, hoặc cũng có thể gia đình bạn không hoàn toàn đã sử dụng đúng với diện tích mình có.

Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Việc sử dụng quỹ đất bao nhiêu? dùng vào mục đích gì? trong thời gian bao lâu? là phụ thuộc vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở mỗi địa phương là không giống nhau. Khi phát sinh tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra đất đang tranh chấp có được sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay không?

=> Đối với trường hợp tranh chấp nêu trên.

Theo đó, việc sử dụng diện tích 3.000 m2 đất như trên của gia đình bạn cũng phải đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại thời điểm sử dụng. Sự phù hợp này cũng phải được áp dụng để xem xét đối với bên phát sinh tranh chấp. Việc sử dụng đất có phù hợp với quy hoạch hay không còn tùy thuộc vào chính sách của từng địa phương, do nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công khai nên gia đình bạn hoàn toàn có thể tiếp cận được. Để biết nội dung cụ thể gia đình có thể liên hệ với cán bộ địa chính để yêu cầu cung cấp.

Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước.

Trong mọi hoạt động phát triển kinh tế, duy trì cuộc sống ổn định, giải quyết khó khăn. Nhà nước luôn giành một vị trí ưu tiên nhất định đối với những người có công. Đây là những đối tượng có công lao đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Việc làm này không làm mất đi tính công bằng trong hệ thống pháp luật và thực tế đời sống. Trái lại, còn là nguồn cổ vũ, nguồn lực tinh thần và vật chất đối với những người đã hy sinh quyền lợi của mình cho đất nước. Khi phát sinh tranh chấp đất đai liên quan đến những đối tượng này. Cơ quan nhà nước Cần vận dụng những quy định riêng để giải quyết tranh chấp.

Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Mọi giao dịch liên quan đến bất động sản đều được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Từ đối tượng được phép thực hiện, đến giới hạn diện tích đất được phép giao dịch. Cho đến hình thức, nội dung khi các bên thực hiện giao dịch. Tất cả đều được quy định cụ thể, làm chuẩn mực pháp lý cho các chủ thể khi thực hiện giao dịch. Đồng thời cơ quan nhà nước cũng yêu cầu các bên phải thực hiện các chuẩn mực pháp lý đó. Trong trường hợp các bên không thực hiện đúng quy định của pháp luật mà dẫn đến tranh chấp, căn cứ vào các quy định đã có, bên nào làm sai bên đó phải chịu trách nhiệm.

=> Đối với trường hợp tranh chấp nêu trên.

Nếu đất của gia đình bạn đang tranh chấp mà có được do chính sách của nhà nước đối với người có công thì đây cũng là một lợi thế trong quá trình giải quyết tranh chấp. Bạn có thể kiểm tra lại thông tin này từ phía gia đình hoặc đến địa phương nơi cư trú, nơi có đất để xác nhận. Trường hợp có thể ghi nhận nội dung này thì thu thập thêm một số giấy tờ liên quan, có thể là xác nhận xủa chính quyền địa phương, có thể là giấy chứng nhận, giấy khen tặng do nhà nước cấp.

Video: Các cách giải quyết tranh chấp đất đai. 

Cách giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ.

Tùy từng trường hợp, với tính chất phức tạp, hồ sơ tranh chấp mà các bên có thể lựa chọn cách giải quyết tranh chấp đất đai cho phù hợp. Dưới đây là những cách để có thể giải quyết tranh chấp đất đai một cách triệt để. Gia đình bạn có thể xem xét để cân nhắc lựa chọn cách giải quyết cho phù hợp.

Hòa giải tranh chấp đất đai.

Khi xảy ra tranh chấp đất đai nhà nước khuyến khích các bên tự tiến hành hòa giải. Việc hòa giải cũng có thể thực hiện ở cơ sở. Theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013:

“Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”

Để có thể được UBND xã đứng ra hòa giải giải quyết tranh chấp, các bên phải có đơn yêu cầu hòa giải. Sau khi nhận được đơn, chủ tích UBND xã sẽ tổ chức hòa giải. Thời hạn kể từ lúc nhận đơn đến khi tiến hành hòa giải là không quá 45 ngày. Thành phần tham gia hòa giải tranh chấp đất đai cũng đã được quy định rõ. Việc hòa giải sau khi tiến hành sẽ có biên bản hòa giải. Dù kết quả là hòa giải thành hay không thì việc hào giải cũng phải lập thành biên bản. Biên bản này có sự xác nhận và được gửi đến các bên tranh chấp.

Với những trường hợp tranh chấp đất đai không có giấy tờ thì việc hòa giải là rất cần thiết. Bởi nếu thuận lợi thì vấn đề tranh chấp có thể được giải quyết luôn. Tránh làm mất thời gian và công sức của các bên tranh chấp. Trường hợp không thể hòa giải được thì sẽ có căn cứ và điều kiện để Tòa án giải quyết.

Giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân.

Các bên tranh chấp có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tới Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

  • Trường hợp là tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Nếu các bên không đồng ý thì có thể khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
  • Trường hợp là tranh chấp đất đai mà một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo. Hoặc là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Nếu các bên không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại. Đơn khiếu nại được gửi tới đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hoặc các bên cũng có thể khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính.

Video: Hướng dẫn cách viết đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai

Khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án.

Khác với việc giải quyết tranh chấp tại UBND, khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án sẽ được thực hiện theo thủ tục tố tụng. Theo quy định tại Khoản 3 điều 2 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP khi khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai người khởi kiện cần đáp ứng những điều kiện sau: Người khởi kiện có quyền khởi kiện; thuộc thẩm quyền của Tòa án theo loại việc; tranh chấp chưa được giải quyết; phải được hòa giải tại UBND cấp xã.

Bên có nhu cầu khởi kiện cần thực hiện theo một thủ tục tố tụng đã được quy định:

  • Chuẩn bị hồ sơ bao gồm: đơn khởi kiện, biên bản hòa giải tại UBND xã, các giấy tờ khác.
  • Nộp hồ sơ khởi kiện: tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền nơi có đất tranh chấp. Việc nộp hồ sơ có thể nộp qua đường bưu điện. Hoặc bên khởi kiện có thể đến trực tiếp Tòa án để nộp hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai.
  • Tham gia vào quá trình tố tụng tại Tòa án: Các bên với những tư cách tố tụng khác nhau sẽ tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Trong quá trình này các bên có thể cung cấp, thu thập thêm chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Tham gia vào buổi hòa giải, công khai tài liệu chứng cứ, tham gia phiên xét xử.

=> Đối với trường hợp tranh chấp nêu trên.

Như vậy, đối với trường hợp tranh chấp đất đai không có giấy tờ như của gia đình bạn. Bước đầu tiên bạn cần phải làm đơn yêu cầu UBND xã tiến hành hòa giải. Sau khi UBND xã hòa giải, có biên bản hòa giải thì sẽ tùy trường hợp mà xử lý. Nếu hai bên có thể hòa giải thành thì thực hiện các thủ tục hành chính để hoàn tất và đảm bảo quyền sử dụng đất của gia đình mình.

Nếu hai bên không thể tiến hành hòa giải thì tùy hồ sơ, gia đình có thể xem xét hai phương án. Một là yêu cầu UBND huyện giải quyết tranh chấp bằng thủ tục hành chính. Hai là yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết bằng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, phần lớn đối với trường hợp tranh chấp đất đai không có giấy tờ như của gia đình bạn thì cần phải khởi kiện tại Tòa án mới có thể giải quyết triệt để.

Luật sư giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ.

Hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa nắm được rõ các quy định pháp luật khi xảy ra tranh chấp đất đai. Không biết phải chuẩn bị hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai như thế nào? Không biết tranh chấp đất đai giải quyết như thế nào. Nếu đang gặp phải các vướng mắc này quý bạn đọc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư giải quyết tranh chấp đất đai của Công ty Luật Hùng Bách. Bên cạnh đó, Luật Hùng Bách còn thực hiện tư vấn, đánh giá các phương án giải quyết vụ việc để khách hàng cân nhắc và có lựa chọn phù hợp.

​​​Liên hệ Luật sư làm việc tại Văn phòng, chi nhánh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nhật Bản,… theo các phương thức sau:

Trên đây là chia sẻ của Luật Hùng Bách liên quan đến chủ đề Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ . Mọi vướng mắc, nhu cầu sử dụng dịch vụ Luật sư đất đai được Luật Hùng Bách tiếp nhận qua số 097.111.5989 hoặc địa chỉ email Luathungbach@gmail.com.

BP

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *