Chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có bị xử phạt


Hiện nay cuộc sống ngày càng phát triển, tư tưởng xã hội ngày càng thoáng, việc nam nữ chưa đăng ký kết hôn mà vẫn chung sống với nhau không còn là hiện tượng xa lạ. Nhiều người trong cuộc và cả những người xung quanh đều thắc mắc liệu việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có phải hành vi vi phạm pháp luật không? Nếu là hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Quan hệ tài sản, con cái nếu phát sinh trong trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào? Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của Luật Hùng Bách để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật?

Tùy từng trường hợp mà việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn được xem là vi phạm pháp luật hay không vi phạm pháp luật.

Trường hợp nam nữ độc thân, cả hai bên chưa đăng ký kết hôn với người khác mà chung sống với nhau như vợ chồng.

Căn cứ vào những điều luật liên quan, hiện chưa có quy định nào cụ thể về việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vì không đăng ký kết hôn nên việc sống chung này không làm phát sinh quyền; nghĩa vụ vợ chồng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp nam/nữ đã có vợ/chồng mà còn chung sống như vợ/chồng với người khác.

Tại điểm c – khoản 2 – Điều 5 LHNVGĐ 2014 quy định cấm hành vi:

“Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Như vậy, nếu nam/nữ đã có vợ/chồng lại chung sống như vợ/chồng với người khác thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ chồng; xâm phạm quan hệ hôn nhân và bị cấm thực hiện.

Như vậy, chỉ trong trường hợp nam/nữ đã có vợ/chồng mà còn chung sống như vợ/chồng với người khác mới là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Còn trường hợp nam, nữ độc thân, sống chung như vợ chồng với nhau mà không đăng ký kết hôn thì không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

chung sống như vợ chồng
Luật sư tư vấn tranh chấp nam nữ chung sống như vợ chồng: 0983.499.828 (Zalo)

Chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn bị xử lý như thế nào?

Câu hỏi: Kính chào Luật sư Hùng Bách. Tôi là Phạm Thị Thanh N quê ở Thái Thụy, Thái Bình. Tôi đang gặp phải vấn đề này mong được Luật sư tư vấn. Tôi và anh A tìm hiểu nhau và sống chung từ năm 2019. Dù đã có một cháu trai nhưng anh A vẫn chưa chịu làm thủ tục đăng kết hôn. Đến nay tôi mới nghe nói anh A đã có vợ con ở Hà Nam. Tôi đang rất hoang mang mình có bị xử phạt không? nếu có thì bị xử phạt như thế nào? Mong Luật sư giải đáp giúp tôi. Cảm ơn Luật sư.

Chào bạn. Đối với câu hỏi của bạn Luật Hùng Bách xin giải đáp như sau:

Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Hành vi ngoại tình cũng có thể bị xử lý hành chính. Theo điểm b khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP:

“người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác” là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Mức xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Xử lý vi phạm hình sự

Hành vi ngoại tình cũng có thể bị xử lý hình sự. Theo điểm a Khoản 1 Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

“Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ …thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn”.

Kỷ luật nếu người vi phạm là Đảng viên.

Ngoài ra, nếu vợ/chồng ngoại tình là Đảng viên thì sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ theo quy định tại Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017:

“Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: a) Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.”

Như vậy, tùy từng trường hợp, mức độ nghiêm trọng, đối tượng vi phạm mà việc nam/nữ đã có vợ/chồng mà còn chung sống như vợ/chồng với người khác sẽ có chế tài xử lý khác nhau.
Xem thêm: Vợ chồng ngoại tình có được chia tài sản khi ly hôn?

Những trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn vẫn được pháp luật thừa nhận.

Đăng ký kết hôn là một thủ tục pháp lý xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật hôn nhân gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đều không được pháp luật công nhận. Dựa trên thực tế thực hiện, pháp luật cũng đặt ra một số trường hợp ngoại lệ như sau:

Quan hệ hôn nhân ở miền Bắc xác lập trước ngày 13/01/1960; quan hệ hôn nhân ở miền Nam xác lập trước ngày 25/03/1977.

Trường hợp quan hệ hôn nhân được xác lập trong khoảng thời gian này dù vi phạm chế độ “một vợ, một chồng” vẫn được công nhận là hôn nhân hợp pháp.

Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987.

Căn cứ Nghị quyết 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội hướng dẫn về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3/1/1987 vẫn được Pháp luật công nhận vợ chồng hợp pháp kể từ ngày hai bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng mặc dù không đăng ký kết hôn. Nếu có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình 2000.

Như vậy, đối với một số trường hợp đặc biệt, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn mặc dù vi phạm quy định của pháp luật về HNVGĐ nhưng vẫn được coi là hôn nhân hợp pháp. Tuy nhiên, những trường hợp này trên thực tế không nhiều vì về cơ bản đây là những trường hợp mà việc sống chung được xác lập ở khoảng thời gian từ rất lâu trong quá khứ. Trường hợp nếu có tranh chấp liên quan đến những trường hợp này thì việc chứng minh thời điểm bắt đầu việc sống chung của nam nữ cũng không phải điều đơn giản.
Xem thêm: Phân biệt ly hôn và hủy kết hôn trái pháp luật

Đăng ký kết hôn sau khi cưới có bị xử phạt ?

Rất nhiều đôi nam nữ chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân đều có chung một thắc mắc rằng liệu Đăng ký kết hôn sau khi cưới hoặc cưới mà không đăng ký kết hôn thì có bị xử phạt không?

Theo quy định tại khoản 1-Điều 8 LHNVGĐ 2014 quy định để kết hôn nam, nữ phải tuân thủ các điều kiện sau:

Về độ tuổi.

Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này nam và nữ đều đã đủ năng lực hành vi dân sự. Thể chất và trí tuệ đều được hoàn thiện, có thể tự lao động nuôi sống bản thân và chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình.

Về mặt ý trí.

Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định. Hai bên nam, nữ khi tiến tới quan hệ hôn nhân phải trên cơ sở tự nguyện.

Về năng lực chủ thể.

Nam nữ kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự. Tại thời điểm kết hôn, nam nữ đủ khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn như:

  • Kết hôn giả tạo.
  • Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.
  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn; hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Kết luận:

Pháp luật hiện hành không yêu cầu phải đăng ký kết hôn trước khi cưới. Đòng thời, không quy định sau khi cưới bao lâu phải làm thủ tục đăng ký kết hôn. Do đó, nếu sau khi cưới mà không làm thủ tục đăng ký kết hôn cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật và cũng không bị xử phạt.

Tuy nhiên, nam/nữ sống chung không đăng ký sẽ bị hạn chế một số quyền. Chẳng hạn, hai người có con chung thì việc làm giấy khai sinh cho con sẽ gặp khó khăn. Bởi theo Nghị định 123/2015/NĐ-CP khi làm Giấy khai sinh cho con, cha mẹ phải xuất trình Giấy đăng ký kết hôn. Trường hợp không có Giấy đăng ký kết hôn thì phải qua một số thủ tục trung gian khác để con được cấp Giấy khai sinh có đủ thông tin của cha và mẹ.

Do đó, để đảm bảo đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên cũng như đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ khác phát sinh trong quá trình chung sống với nhau thì nam nữ nếu đã xác định chung sống lâu dài với nhau nên Đăng ký kết hôn theo đúng thủ tục luật định.

Xem thêm: Thực trạng hôn nhân ở Việt Nam hiện nay

Giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn.

Rất nhiều đôi nam nữ sống chung với nhau không đăng ký kết hôn nhưng có con chung. Khi phát sinh tranh chấp các bên đều lúng túng không biết phải là thế nào để được nuôi con. Theo quy định của Luật HNVGĐ 2014 nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật thừa nhận quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, nếu có con chung và phát các sinh quyền; nghĩa vụ liên quan tới con chung thì vẫn chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Luật. Hay nói cách khác là pháp luật vẫn giải quyết phân chia.

Theo đó, khi có yêu cầu Tòa án giải quyết về vấn đề liên quan đến con chung như:

  • Ai là người trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng con chung?
  • Ai có trách nhiệm thực hiện cấp dưỡng nuôi con?
  • Mức cấp dưỡng bao nhiêu?…

Thì Tòa án sẽ giải quyết như sau:

Trường hợp cha, mẹ đã thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên thì Tòa án sẽ tôn trọng sự tự thỏa thuận của các bên. Đồng thời, công nhận những nội dung thỏa thuận đó.

Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc con chung hoặc những vấn đề liên quan đến trách nhiệm cấp dưỡng thì Tòa án căn cứ vào các quy định liên quan để giải quyết như đối với trường hợp vợ chồng có đăng ký kết hôn.
Xem thêm: Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng

Các yếu tố xét đến khi tranh chấp quyền nuôi con:

Tòa án sẽ xem xét đến quyền lợi về mọi mặt của con dựa trên các điều kiện:

Điều kiện tài chính của cha, mẹ.

Tài chính ở đây có thể được hiểu là thu nhập hàng tháng của các bên. Bởi việc nuôi một đứa trẻ trong thời buổi xã hội phát triển như ngày nay không phải là việc đơn giản. Người trực tiếp nuôi con phải đáp ứng được điều kiện kinh tế tối thiểu để có thể nuôi con sau khi ly hôn.

Điều kiện môi trường sống mà cha, mẹ có thể đem lại cho con.

Việc con sống với cha hay sống với mẹ thì đều cần đáp ứng:

  • Sống trong một môi trường an toàn;
  • Đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu cho sự phát triển của con;
  • Có môi trường học tập, có không gian vui chơi, chỗ ở đảm bảo an ninh,…

Trên đây là một yếu tố không thể thiếu khi xét đến việc vợ; chồng nuôi con sau khi ly hôn.

Phẩm chất đạo đức của cha, mẹ.

Sự phát triển của trẻ có liên quan mật thiết tới người trực tiếp nuôi dưỡng. Một người có lối sống không lành mạnh; có hành vi vi phạm pháp luật dễ tạo ra những thói quen xấu cho trẻ nhỏ. Khi đưa ra phán quyết về việc ai có quyền trực tiếp nuôi con thì người có nhân cách đạo đức không tốt đương nhiên sẽ gặp bất lợi lớn trong quá trình giành quyền nuôi con.

Yếu tố tình cảm của con giành cho cha, mẹ.

Tòa án khi xem xét việc ai là người trực tiếp nuôi con cũng phải tham khảo nguyện vọng của con đối với trường hợp con trên 07 tuổi. Bởi đây là độ tuổi mà con đã đủ nhận thức về việc bản thân mong muốn được ở với ai.

Ví dụ. Tòa án sau khi xem xét đến các yếu tố trên mà điều kiện của hai bên có sự ngang bằng nhau thì trường hợp cha muốn giành quyền nuôi con nhưng con muốn ở với mẹ thì khả năng cao Tòa án sẽ giao quyền nuôi con cho mẹ.

Độ tuổi của con.

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Trường hợp mẹ không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con sẽ giao cho bố. Hoặc hai bên có thỏa thuận thì Tòa án cũng sẽ tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên. Pháp luật quy định như vậy vì thực tế trẻ 36 tháng tuổi rất cần sự quan tâm; chăm sóc trực tiếp của người mẹ.

Đối với tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con.

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên; con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Tòa án sẽ xem xét yêu cầu của các bên, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng để đưa ra mức cấp dưỡng hợp lý của người có nghĩa vụ cho con chung.

Như vậy, cha mẹ không đăng ký kết hôn mà có tranh chấp về con chung thì Tòa án vẫn sẽ tiến hành giải quyết như đối với trường hợp có đăng ký kết hôn.

Tham khảo bài viết: Thủ tục yêu cầu tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng Tại đây!

Chia tài sản chung khi sống chung không đăng ký kết hôn.

Không ít trường hợp nam nữ sống chung với nhau không đăng ký kết hôn nhưng trong quá trình sống chung lại hình thành tài sản có phần đóng góp của cả hai, khi phát sinh tranh chấp thì hai bên không biết làm thế nào để bảo đảm quyền lợi, công sức đóng góp của mình do không đăng ký kết hôn. Pháp luật hiện hành cũng đã có dự trù về trường hợp này, cụ thể tại Điều 14, Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Trường hợp các bên tự thỏa thuận phân chia sẽ áp dụng theo thỏa thuận.

Các bên ở đây bao gồm hai người sống chung với nhau và bên thứ ba (nếu có). Quy định như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho các bên giải quyết các vấn đề phát sinh. Đồng thời cũng giảm tải khối lượng công việc đối với cơ quan nhà nước.

Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được.

Khi đó, việc giải quyết vấn đề giữa các bên dựa vào quy định của pháp luật. Dù hai người đã chung sống với nhau như vợ chồng nhưng lại không được ghi nhận về mặt pháp lý; không được có quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận quan hệ vợ chồng. Do vậy, không thể áp dụng các quy định của Luật hôn nhân gia đình để giải quyết vấn đề tài sản. Nếu cùng áp dụng như trường hợp có đăng ký kết hôn sẽ tạo một tiền đề xấu. Điều này có thể dẫn đến việc người dân xem nhẹ việc đăng ký; gây khó khăn cho cơ chế quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Việc giải quyết phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con.

Pháp luật luôn dự trù những quy định nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của những người yếu thế. Dù không có đăng ký kết hôn nhưng giữa họ vẫn chung sống như vợ chồng; cùng nhau đóng góp công sức để duy trì cuộc sống chung. Ngay cả trong trường hợp người phụ nữ không tạo ra của cải, vật chất để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày nhưng họ vẫn có công trong việc duy trì cuộc sống chung để bình ổn gia đình, hỗ trợ người còn lại tạo ra thu nhập nên pháp luật coi việc nội trợ cũng như những việc làm khác có liên quan là lao động có thu nhập, đảm bảo sự công bằng trong việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ giữa nam và nữ.

Như vậy, trường hợp hai người chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì khi có tranh chấp với nhau về tài sản sẽ áp dụng quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật liên quan để giải quyết.
Xem thêm: Hôn nhân thực tế là gì

Luật sư giải quyết tranh chấp về con chung, tài sản trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Giải quyết tranh chấp về con chung, tài sản trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn là loại tranh chấp không hề đơn giản. Đặc biệt, là đối với những người dân không am hiểu các quy định của Luật. Điều này có thể dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có tranh chấp không được đảm bảo một cách đầy đủ bởi vụ kiện tranh chấp trong những trường hợp này thường mang tính chất rất phức tạp, bị đơn/nguyên đơn phải tham gia vào một quá trình với nhiều giai đoạn, thủ tục tố tụng như:

  • Phải qua nhiều thủ tục hành chính với thời gian kéo dài;
  • Phải cung cấp được cho Tòa án một bộ hồ sơ hoàn chỉnh; hợp lệ mà bản thân lại không am hiểu về các quy định của pháp luật;
  • Phải tiêu tốn nhiều chi phí khi giải quyết vụ việc mà hiệu quả chưa chắc đã đạt được.

Để tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc mà nhiều người đã tìm đến dịch vụ Luật sư để được hỗ trợ: Giải quyết tranh chấp về con chung; tài sản khi sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Nhu cầu của khách hàng không chỉ dừng lại ở khâu tư vấn mà muốn có Luật sư trực tiếp tham gia trực tiếp. Luật sư có thể thay mặt khách hàng thực hiện các thủ tục trong phạm vi pháp luật cho phép; theo sát quá trình giải quyết tại Tòa án.

Luật sư hỗ trợ giải quyết thủ tục.

Công ty Luật Hùng Bách với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý giỏi. Chúng tôi có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực hôn nhân gia đình; và hiện cung cấp dịch vụ ly hôn nhanh ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Sử dụng dịch vụ của chúng tôi, khách hàng sẽ được cung cấp trọn gói dịch vụ bao gồm tranh chấp về con chung; tài sản chung khi chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn như:

  • Tiếp nhận vụ việc, đưa ra tư vấn ban đầu về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Nếu khách hàng không thể sắp xếp thời gian, Công ty sẽ nhận hồ sơ ngay tại nơi ở; làm việc theo yêu cầu của khách hàng.
  • Soạn thảo hồ sơ, hỗ trợ khách hàng soạn đơn khởi kiện với đầy đủ nội dung. Tham gia cùng khách hàng trong quá trình chuẩn bị các tài liệu cần thiết;
  • Nộp đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết;
  • Luôn luôn giám sát tiến độ thực hiện công việc tới khi có bản án của Tòa án. Kịp thời đưa ra tư vấn khi phát sinh các tình tiết mới.

Xem thêm: Hôn nhân đồng giới theo quy định của pháp luật

Liên hệ Luật sư làm việc tại Văn phòng, chi nhánh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nhật Bản,… theo các phương thức sau:

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Hùng Bách liên quan đến chủ đề Sống chung không đăng ký kết hôn có bị phạt? Nếu còn những vướng mắc liên quan đến đến vấn đề này hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ Luật sư ly hôn nhanh bạn có thể liên hệ trực tiếp đến số điện thoại 0983.499.828 (Zalo) hoặc gửi thư về địa chỉ email luathungbach@gmail.com để nhận được giải đáp, tư vấn hiệu quả nhất.

Bích Phương

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *